| ||
Xi măng Bỉm Sơn được đánh giá có hoạt động kinh doanh khá so với các doanh nghiệp trong ngành |
Như vậy, sau khi chia cổ tức ở mức 5% năm 2010, năm 2011 là 3%, thì liên tiếp 2 năm 2012 và 2013, cổ đông của BCC đều không được nhận cổ tức.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, một cổ đông nhỏ của BCC (Hà Nội) cho biết, khi bỏ tiền mua cổ phần của một doanh nghiệp, cổ đông nào cũng kỳ vọng doanh nghiệp đó làm ăn có lãi để được nhận cổ tức. Vậy mà năm 2012, dù BCC lãi tới 91 tỷ đồng, nhưng cổ đông không được nhận đồng cổ tức nào.
Bức xúc trên của cổ đông không phải là trường hợp cá biệt, với những lý do đưa ra rất xác đáng.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Ngô Sỹ Túc, Phó giám đốc BCC cho hay, dù là cổ đông lớn hay cổ đông nhỏ, thì Công ty đều dành cho họ sự trân trọng và lắng nghe mọi ý kiến đóng góp. Trên cơ sở phân tích thị trường, tính toán đại cục, năm 2012, Công ty có thể chia cổ tức cho các cổ đông ở mức 5%. Tuy nhiên, với tỷ lệ chia như vậy, giá trị mà các cổ đông nhận được không đáng bao nhiêu, nên Ban lãnh đạo, những cổ đông lớn đã đi đến biểu quyết dành phần lợi nhuận năm 2012 và cả năm 2013 để phân bổ chênh lệch tỷ giá, phục vụ các dự án đầu tư mới, cũng như đảm bảo nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh.
Theo ông Túc, BCC đã quyết định mua 77% cổ phần chi phối của Công ty cổ phần Xi măng miền Trung. Theo đó, Công ty sẽ tiếp nhận Dự án Trạm nghiền xi măng Đại Việt tại Quảng Ngãi, thực hiện đầu tư công đoạn nghiền xi măng đến đóng bao mới, với tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng. “Ngay trong năm 2013, BCC sẽ phải thanh toán trên 100 tỷ đồng. Bởi vậy, lợi nhuận có được trong năm 2012 và 2013 sẽ được Công ty dồn cho nhiệm vụ trọng tâm này”, ông Túc nhấn mạnh.
Cùng với Trạm nghiền xi măng Quảng Trị hiện có, việc mua lại Dự án Trạm nghiền xi măng Đại Việt sẽ giúp BCC có 2 trạm nghiền, khai thác sâu hơn khách hàng và thị trường phía Nam. Ông Trần Việt Thắng, Chủ tịch HĐQT BCC, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên 1 (HT1) nhận định, trong vài năm tới, các cổ đông sẽ có ít cơ hội nhận cổ tức từ BCC do gánh nặng nợ nần và tiến độ triển khai các dự án đầu tư khá dồn dập.
Theo ông Túc, ở một góc độ nào đó, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp, nhiều cổ đông nhỏ cảm thấy thiệt thòi, khi tiếng nói và quyền quyết định thường thuộc về các cổ đông lớn nên. Dẫu vậy, Ban lãnh đạo, những cổ đông góp vốn lớn lại gánh trên vai trọng trách làm thế nào để điều hành doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đồng vốn sinh lời.
“Với chiến lược đầu tư của BCC, hy vọng trong vài năm tới, khi nền kinh tế đi lên, các dự án đầu tư công khởi động trở lại…, doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng, đạt lợi nhuận tốt, thì mới có cơ sở chi trả cổ tức đều đặn cho cổ đông”, ông Túc nói.
Thế Hải