Sinh năm 1992 tại Phú Thọ, sau khi tốt nghiệp Sư phạm Hà Nội, Dung xin về dạy học ở quê. Là giáo viên giảng dạy theo tiết nên cô có nhiều thời gian rảnh và chủ yếu dành cho sở thích nấu nướng. Ý tưởng kinh doanh đặc sản cá thính qua mạng cũng bắt nguồn từ sở thích này.
Mẻ cá thính đầu tiên mà Dung bán được làm từ 50kg cá tươi. Nguồn nguyên liệu sử dụng khá đơn giản, dễ tìm. Để có được những lát cá thính ngon, Dung phải chọn loại cá mới đánh bắt, còn tươi, rồi làm sạch, cắt miếng to bằng bàn tay, dày khoảng một cm. Sau đó, cá được xếp vào hộp theo tỷ lệ một lượt cá, một lượt muối, ướp khoảng một ngày thì lấy ra, trộn đều với bột thính ngô, rồi đậy nắp kín. Cá thính để độ một tuần là có thể dùng được. "Tỷ lệ muối cũng như gia vị và bột thính ngô là yếu tố quyết định vị ngon của cá", Dung cho biết.
Cá thính được bán theo hộp với nhiều trọng lượng như một kg, 3kg, 5kg... Dung sử dụng nhiều loại cá để làm, nên giá thành cũng khác nhau. Một kg làm từ cá mè có giá 100.000 đồng, trong khi làm từ cá trắm có giá khoảng 200.000 đồng. Để sản phẩm được biết đến rộng rãi hơn, Dung sử dụng facebook cá nhân quảng cáo. Mỗi quy trình chế biến, tẩm ướp đều được chụp lại rõ ràng, sắc nét làm minh họa. Tháng đầu kinh doanh, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, Dung thu được hơn 6 triệu đồng. 4 tháng sau, số tiền lãi nhanh chóng tăng lên cả chục triệu đồng. Cô cũng có nhiều khách quen hơn.
"Bán cá thính trực tuyến không tốn chi phí như các mặt hàng khác, thực phẩm lại có mối sẵn ở quê. Khách hàng chủ yếu đặt mua qua facebook. Mình chỉ việc check tin đặt hàng của khách và tiến hành ướp cá", Dung cho biết. Việc bán hàng trực tuyến giúp cô tiếp cận với nhóm khách hàng lớn hơn ở các tỉnh khác chứ không chỉ phục vụ một cụm nhỏ ở địa phương.
Món cá thính sau khi đã đủ thời gian muối và ướp sẽ dùng được ngay |
Để có được thành quả như ngày hôm nay, Dung cũng gặp không ít khó khăn trong ngày đầu kinh doanh. Khách hàng ở những tỉnh khác chưa được thưởng thức cá thính nên còn khá e dè. Họ thường hỏi kỹ về nguyên liệu và các gia vị được dùng. Cô cho biết, bán hàng trực tuyến, khách không được trực tiếp nhìn và thử vị nên việc thuyết phục không hề dễ dàng. Tuy nhiên, sự khéo léo, hình ảnh giới thiệu thật, bắt mắt cùng các phản hồi tích cực của những người đã từng thưởng thức đặc sản giúp Dung chinh phục được nhiều khách hàng mới.
Dung chia sẻ "Tôi liên tục nhận được những lời mời kết bạn cũng như tin nhắn đặt hàng. Sức mạnh của mạng xã hội đúng là không thể phủ nhận". Với chi phí thấp, không tốn nhiều công sức, bán cá thính qua mạng không chỉ giúp cô tăng thu nhập mà còn là cách phát triển đặc sản quê hương.
Trung bình mỗi tháng, Dung tiêu thụ khoảng 2 tạ cá tươi để cho ra hơn 1,5 tạ cá thính. Số lượng này tùy thuộc vào nhu cầu đặt hàng của khách, có khi cả tuần chỉ bán được vài chục kg, có khi lại được cả trăm kg. Bên cạnh mặt hàng chính là cá thính, cô cũng bán một số thực phẩm sạch khác như gà đồi, thịt lợn lửng, cá suối, rau măng...