Nhiều lĩnh vực mà Mozambique luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Việt Nam
Giữa tháng 5 năm ngoái, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Movitel, thương hiệu của Viettel ở Mozambique, đã công bố, chính thức kinh doanh tại quốc gia này. Khi ấy, Movitel, liên doanh giữa Viettel và Công ty SPI (Mozambique), trong đó Viettel nắm giữ 70% trong tổng số 493,7 triệu USD vốn đầu tư của Dự án, đã xây dựng được 12.600 km cáp quang, đóng góp 70% hạ tầng cáp quang của toàn quốc gia này. 1.800 trạm phát sóng (2G&3G) cũng đã được xây dựng, phủ 100% quận, huyện và đường quốc lộ, đóng góp hơn 50% hạ tầng mạng di động của toàn Mozambique.
Một năm sau, thông tin mới nhất được Viettel công bố tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Mozambique, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm 12/6, các con số này đã tăng lên 2.600 trạm phát sóng, hơn 21.000 km cáp quang. Ngay trong năm đầu tiên đi vào kinh doanh, Movitel đã đạt doanh thu 113 triệu USD, có 2 triệu thuê bao và trở thành doanh nghiệp có giải pháp tốt nhất giúp cải thiện công nghệ thông tin, viễn thông của Mozambique.
Và một điều quan trọng, những thành công bước đầu của Viettel ở Mozambique đã trở thành điển hình cho quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia.
Ngoài viễn thông, hiện chỉ có nông nghiệp là lĩnh vực mà Việt Nam và Mozambique có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn cả. Đây là lĩnh vực kinh tế chủ lực của Mozambique và quốc gia này, trong thời gian vừa qua, cũng chủ yếu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực này.
“Một kết quả hợp tác đầu tư rất khiêm tốn. Do đó, quá trình hợp tác song phương giữa hai quốc gia cần được các cơ quan chức năng xúc tiến mạnh hơn nữa, để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thông tin, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, qua đó mở rộng đầu tư trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu phát biểu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển Mozambique Aiuba Cuereneia cho biết, nông nghiệp, công nghiệp, cơ sở hạ tầng, tài chính - ngân hàng, thủy sản… là những lĩnh vực mà Mozambique luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Việt Nam. Phát triển du lịch, hàng không dân dụng cũng là lĩnh vực mà Mozambique mong muốn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Được xác định là thị trường tiềm năng, nhưng khoảng cách địa lý xa xôi, những khác biệt về tập quán, ngôn ngữ… được cho là những cản trở khá cơ bản để hợp tác đầu tư, thương mại song phương chưa được như kỳ vọng. Chưa kể, việc Chính phủ hai nước chưa có các hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, ưu đãi và tránh đánh thuế hai lần, cũng như hợp tác về ngân hàng… cũng đang là những trở ngại lớn.
Tuy nhiên, theo ông Lourenco Sambo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Mozambique tại Việt Nam, Mozambique sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp visa cho các cá nhân là người Việt Nam đến tìm hiểu, xúc tiến thương mại tại quốc gia này.
Bên cạnh đó, hiện nay, Mozambique cũng đã xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi, nhằm khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là những thuận lợi bước đầu để các doanh nghiệp Việt Nam tiến thêm một bước trong hành trình hợp tác thương mại, đầu tư với các doanh nghiệp Mozambique.
Trước Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã có buổi tiếp Bộ trưởng Aiuba Cuereneia. Để tăng cường thúc đẩy hợp tác song phương, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã đề nghị, hai bên cần duy trì cơ chế trao đổi thông tin về tiềm năng, cơ hội, chính sách đầu tư giữa các cơ quan Chính phủ hai nước, đặc biệt là danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài, các lĩnh vực ưu đãi đầu tư, các chính sách khuyến khích đầu tư…
“Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước có cơ hội tiếp xúc, trao đổi thông tin và tìm kiếm đối tác kinh doanh qua việc Chính phủ hai nước cùng phối hợp tổ chức các buổi hội thảo xúc tiến đầu tư Việt Nam - Mozambique”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Nguyên Đức