Dự báo thời gian tới, lãi suất của Mỹ sẽ tăng, dẫn đến sự xoay trục chính sách tiền tệ của Fed. |
Ẩn số chính sách tiền tệ Mỹ
Tuần này, giới đầu tư toàn cầu đổ dồn sự chú ý về Washington, D.C, nơi diễn ra cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed. Không chỉ công bố mức lãi suất quỹ liên bang, tại cuộc họp quyết định lãi suất cuối cùng trong năm, Fed cũng sẽ công bố biểu đồ Dot Plot, phản ánh trực quan về dự báo lãi suất của các thành viên FOMC trong những năm tới.
Giới đầu tư đang đặt cược nhiều nhất vào khả năng lãi suất điều hành của Fed giảm thêm 25 điểm cơ bản. Cuộc họp của Fed càng được quan tâm hơn, khi loạt ngân hàng trung ương lớn tuần trước vừa có những bước đi mạnh và sớm trong lộ trình cắt giảm lãi suất. Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) bất ngờ cắt giảm lãi suất mạnh nhất trong gần một thập kỷ, từ 1% xuống còn 0,5%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Câu chuyện chính sách tiền tệ tại nền kinh tế số một thế giới, cùng các vấn đề liên quan như tỷ giá, lạm phát, lãi suất cũng là biến số được các chuyên gia kinh tế hàng đầu tập trung thảo luận tại Hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội” do Báo Đầu tư tổ chức giữa tuần qua. Theo quan sát của ông Hoàng Quốc Anh, Giám đốc đầu tư GHG Invest, diễn biến lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm cho thấy, khả năng cao Fed sẽ có lần hạ lãi suất thứ ba, với mức giảm 25 điểm cơ bản.
Nhìn xa hơn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu không quá lạc quan trong bối cảnh toàn cầu năm tới.
Ông Hiếu dự báo, lãi suất của Mỹ sẽ tăng, dẫn đến sự xoay trục chính sách tiền tệ của Fed. Dù chưa xác định được rõ thời điểm, nhưng vị chuyên gia này cho rằng, nền kinh tế số một thế giới có thể đối diện trở lại với rủi ro lạm phát tăng do giá hàng hóa sau khi áp thuế sẽ tăng cao, thị trường lao động thiếu hụt do chính sách nhập cư mới, hay chính sách giảm thuế thu nhập có thể gây tình trạng thiếu hụt ngân sách. Điều này dẫn tới khả năng chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách.
“Với các yếu tố trên, tôi dự báo lãi suất của Mỹ sẽ tăng, dẫn đến sự xoay trục chính sách tiền tệ của Fed và kéo giá trị USD tăng lên, gây áp lực lên tỷ giá”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, tỷ giá VND/USD có thể tăng 5% trong cả năm và sẽ tiếp tục biến động theo chiều hướng đi lên.
Cùng quan điểm, ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, rủi ro lạm phát từ chính sách của Tổng thống Donald Trump đang thay đổi các dự báo của VNDirect khi xây dựng kịch bản cơ sở. Với việc chỉ số DXY neo cao, tỷ giá VND/USD sẽ chịu nhiều áp lực. Ông Barry Weisblatt David cũng để ngỏ rủi ro Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất nếu áp lực tỷ giá vượt ngoài tầm kiểm soát.
Trong khi đó, ông Trịnh Hà, chuyên gia chiến lược Exness Investment Bank cho rằng, các chính sách của ông Trump sẽ đi theo lộ trình nhất định. Điểm tích cực là Fed dự kiến tiếp tục duy trì cắt giảm lãi suất năm 2025 và các biện pháp nới lỏng khai thác dầu khí có thể giảm bớt phần nào áp lực lạm phát. Dù giảm tốc, khi Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất, thu nhập của doanh nghiệp và người dân tiếp tục tăng cao, từ đó thúc đẩy các kênh đầu tư.
Với khả năng USD duy trì sức mạnh, ông Hà cũng cho rằng, áp lực gia tăng lên tỷ giá là có. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chỉ số DXY đo sức mạnh đồng bạc xanh đang ở mức 106 - 107 điểm, phản ánh tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư và đã có phần bị đẩy lên quá cao. Khi loại trừ được yếu tố mùa vụ cuối năm, lạm phát hạ nhiệt sẽ giải toả phần nào áp lực đối với USD.
Các “mảnh góc” đa sắc
Năm 2025 đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Tương tự “mảnh góc” của một khối rubik, từ các góc nhìn khác nhau, các biến số vĩ mô quốc tế này mang những sắc màu khác nhau. Không chỉ ở câu chuyện chính sách tiền tệ của Fed, tác động từ chính sách thương mại Mỹ đến Việt Nam dưới thời ông Donald Trump cũng là một ẩn số với nhiều quan điểm trái chiều.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ là một rủi ro. Tuy nhiên, các quyết định áp thuế không chỉ đến từ số liệu về thặng dư thương mại, mà còn từ vấn đề khác như cạnh tranh Mỹ - Trung, hay nhập cư với Mexico. Do đó, vị chuyên gia này kỳ vọng Mỹ có thể sẽ không áp thêm thuế quan lên Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số thách thức toàn cầu như tình hình xung đột địa chính trị với các cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, Trung Đông, hay chính phủ mới tại Syria… sẽ tạo ra biến động toàn cầu, từ đó có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Dù đối diện nhiều thách thức, ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp (Ngân hàng Citi Việt Nam) cho rằng, Việt Nam còn nhiều dư địa cho tăng trưởng từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng lợi thế địa chính trị tốt, với khoảng cách gần với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thuận lợi cho kết nối giao thương, chuyển dịch sản xuất. Yếu tố chi tiêu tăng cũng hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng kinh tế.
Số liệu khảo sát từ NielsenIQ Việt Nam cho thấy, có khoảng 35% người khảo sát tin tăng trưởng kinh tế trên 6,5%, 45% đặt niềm tin vào mức tăng trưởng từ 5,5- 6,5%. Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng NielsenIQ Việt Nam, những điểm sáng về xuất nhập khẩu, đầu tư FDI, đầu tư công sẽ thúc đẩy hành vi tiêu dùng tại Việt Nam nhiều hơn.
Cơ hội từ các kênh đầu tư
Năm 2025, với những xu thế và chất xúc tác như triển vọng GDP, xuất nhập khẩu, câu chuyện nâng hạng thị trường..., nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn. Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VPS, đây đang là giai đoạn tốt để mua gom và cũng có nhiều cơ hội để giao dịch ngắn hạn hơn.
“Chúng ta không chỉ kỳ vọng mức tăng khiêm tốn 10-12%, mà thậm chí cao hơn. Nhà đầu tư có thể tập trung tích lũy với những cổ phiếu chất lượng cao, những cổ phiếu được ưu tiên với kết quả kinh doanh tích cực”, ông Khánh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc kinh doanh số (VPBankS) cho biết, VPbankS cũng có niềm tin tích cực vào thị trường chứng khoán năm 2025, với dòng tiền sẽ quay trở lại sôi động hơn. Trong đó, 4 nhóm cổ phiếu được kỳ vọng là nhóm năng lượng, dầu khí, bất động sản, bán lẻ và ngân hàng.
Mức định giá thị trường khá hợp lý để đầu tư trong dài hạn, với định giá P/E của thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn nhờ câu chuyện tăng trưởng, ông Lê Quang Hưng, Giám đốc phân tích đầu tư Techcom Capital cho rằng, tỷ trọng trong đầu tư không chỉ là cổ phiếu, mà còn có thể phân bổ đến những tài sản liên quan đến thu nhập cố định như trái phiếu hay tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi. Các chính sách mới, luật mới đã đưa ra nhiều quy định liên quan đến thị trường trái phiếu, tăng tính minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư là điều quan trọng để thị trường trái phiếu phát triển bền vững, dần lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư.
Các loại tài sản mới như tiền kỹ thuật số cũng là kênh đầu tư được chú ý hiện nay. Với những biến động gần đây trên thị trường các đồng tiền số, tỷ trọng nắm giữ phân bổ đầu tư vào bitcoin hoặc các loại tiền số khác, nhất là ở giới trẻ, cho thấy thế giới đang dần chấp nhận tiền kỹ thuật số là một loại tài sản để đa dạng hóa danh mục đầu tư.