Sau 30 năm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, và Việt Nam được Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong thu hút vốn đầu tư FDI.
Một loạt nhà máy của các thương hiệu tầm cỡ đã chọn Việt nam như Samsung, Bridgestone, Nipro Pharma, Fuji Xerox, Posco, LG, Bosch… đã góp một phần không nhỏ trong bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đem lại những kỹ năng sản xuất tiên tiến cho lao động, và mở ra nhiều cơ hội cho các đơn vị cung cấp trong nước và nước ngoài.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM, ngành cơ khí chế tạo là trái tim của các ngành công nghiệp, vì đây là ngành chế tạo ra phụ tùng, máy móc, thiết bị, khuôn mẫu để phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa khác…
Tuy nhiên, một số chính sách của nhà nước đã làm cho ngành cơ khí chế tạo không thể phát triển tốt. Đó là chính sách thuế; sự tiếp cận với các gói kích cầu hỗ trợ của TP; mặt bằng sản xuất; sự tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI…
Một số doanh nghiệp trong nước đã cung cấp các sản phẩm linh phụ kiện chính xác cao cấp cho máy bay dân dụng, tàu điện ngầm... đi nhiều nước |
Hiện các doanh nghiệp cơ khí trong nước sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực mạnh về sản phẩm cơ khí. Trong khi đó, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là mục tiêu lớn, tất cả các doanh nghiệp trong nước phải hướng tới nếu như muốn có vị thế thị trường vững chắc.
Theo ông Tống, doanh nghiệp cơ khí cần phải nhận thức đầy đủ nhu cầu từ thị trường toàn cầu, hiểu rõ khách hàng: số lượng bao nhiêu, sản phẩm thế nào, giá trị dịch vụ cộng thêm là gì... Với nguồn lực yếu, khó cạnh tranh với các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia nên phải tìm giải pháp liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp này để phát triển.
Một trong những giải pháp để nâng tầm vị thế cho các doanh nghiệp trong nước là thông qua các sân chơi thương mại.
Tại Việt Nam, các triển lãm, hội chợ đã được hình thành khá lâu và trở thành sân chơi thương mại uy tín với nhiều thương hiệu trong và ngoài nước muốn tham gia chuỗi cung ứng cho thị trường ở nhiều mảng ngành nghề.
Một trong những sự kiện thường niên được các doanh nghiệp trong và ngoài nước chờ đón là Triển lãm Quốc tế Sản phẩm Ngũ Kim và Dụng cụ cầm tay (Hardware & Hand Tools).
- Nhà tổ chức (Vinexad) với 43 năm kinh nghiệm sẽ tổ chức một loạt các hội thảo chuyên đề kèm theo để tạo nên nhiều liên kết hơn nữa giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
- Triển lãm sẽ được tổ chức trong 4 ngày, từ ngày 5-8/12/2018 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm SECC – 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TP.HCM.
Đây là triển lãm duy nhất tại Việt Nam chuyên đề trong nhóm ngành hàng: Dụng cụ cầm tay (chuyên dụng trong ngành điện, sửa chữa, gia công cơ khí, gỗ, xây dựng, đóng tàu, làm vườn, dân dụng); Thiết bị gia cố, xe nâng – đẩy; Ngũ kim (kìm, lưỡi cươi, mũi khoan, đá mài, bulong, ốc vít, van, vòi…); Thiết bị an toàn (khóa, đai móc, pa lăng)…
Năm 2017, triển lãm đã có sự tham gia của 218 doanh nghiệp đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Nhật Bản, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Đài Loan… với 12.790 lượt khách tới tham quan và làm việc.
Sau 2 lần tham gia sự kiện Hardware & Hand Tools Show, Công ty Hữu Toàn Co., đã xuất khẩu sản phẩm máy phát điện thương hiệu Hữu Toàn sang các thị trường khó tính như Nam Mỹ, Nhật Bản… và gặp gỡ được các đối tác đến từ Sri-Lanka và Malaysia.
“Chúng tôi muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam và có thể đây sẽ là bước khởi đầu để chúng tôi mở ra các hợp tác sau này”, ông Christian Follmann, phụ trách ngành hàng Handtools của tập đoàn SUKI đến từ Đức cho biết.
Việc tham gia những sân chơi thương mại lớn này được cho là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hợp tác, tìm đầu ra ổn định để doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư, dần bắt kịp trình độ sản xuất của ngành cơ khí trong khu vực và thế giới.