Ông Vũ Đức Hội, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính). |
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2019 được Chính phủ đặt ra là tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách. Thưa ông, nhiệm vụ này chắc là đạt được?
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách; quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững là nhiệm vụ trọng tâm trong cả giai đoạn 2016 - 2020 được Quốc hội đặt ra tại Nghị quyết 25/2016/QH14 về Kế hoạch Tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TW (ngày 18/11/2016) về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Thực hiện 2 nghị quyết này, Chính phủ thường xuyên nhắc lại yêu cầu cơ cấu lại ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách.
Trong 6 tháng đầu năm nay, so với dự toán, cả thu ngân sách trung ương và địa phương đạt rất cao, trong đó ngân sách trung ương đạt cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, nhưng tại Phiên họp thường kỳ tháng 6/2019, Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách… Điều đó cho thấy, Chính phủ đặc biệt quan tâm nhiệm vụ này.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước tiếp tục duy trì tiến độ tăng thu ổn định, đạt 891.700 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán, tăng 11,9% so cùng kỳ năm 2018, trong đó, thu nội địa đạt 61,8% dự toán (cùng kỳ đạt 58,4%). Đây là tốc độ tăng thu rất cao trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, tổng chi mới đạt 776.860 tỷ đồng, bằng 47,6% dự toán.
Tình hình thu - chi rất khả quan như hiện nay là điều kiện để giữ mức bội chi trong cả giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP; phấn đấu giảm mạnh bội chi để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP, đến năm 2030 giảm xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi như yêu cầu đã được Nghị quyết 07-NQ/TW và Nghị quyết 25/2016/QH14 đặt ra.
Để giảm bội chi xuống 3,5% GDP vào năm 2020, thưa ông, năm 2018, ngân sách nhà nước vượt thu 105.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương vượt 33.300 tỷ đồng, vậy vì sao không sử dụng một phần trong số vượt thu để giảm bội chi?
Theo Luật Ngân sách nhà nước, tiền ngân sách thu vượt dự toán, ngoài ưu tiên để giảm bội chi, tăng chi trả nợ, bao gồm trả nợ gốc và lãi, còn phải dành một phần bổ sung Quỹ Dự trữ tài chính; bổ sung nguồn thực hiện chính sách tiền lương; thực hiện một số chính sách an sinh xã hội; tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng; cân đối cho địa phương hụt thu; thưởng vượt dự toán các khoản thu giữa trung ương và địa phương.
Đối với số tiền 33.300 tỷ đồng vượt thu của ngân sách trung ương, Chính phủ đã lập phương án sử dụng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Theo đó, sử dụng 3.500 tỷ đồng để giảm bội chi, cộng với 9.000 tỷ đồng do địa phương không tăng bội chi như dự toán, nên bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 chỉ còn 191.500 tỷ đồng, giảm 12.500 tỷ đồng, nhờ đó bội chi năm 2018 chỉ còn 3,46% GDP, giảm so với mức dự toán 3,7% GDP đã được Quốc hội thông qua.
Tỷ lệ bội chi đang có xu hướng giảm dần qua từng năm, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, giảm bội chi vẫn chưa bền vững. Quan điểm của ông thế nào?
Tỷ lệ bội chi so với GDP đúng là đang giảm kể từ năm 2016, mức bội chi hằng năm còn thấp hơn so với dự toán, nhưng về số tuyệt đối, mức bội chi chưa thực sự bền vững. Cụ thể, năm 2016, bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, năm 2017 giảm xuống còn 136.963 tỷ đồng, thì đến năm 2018 tăng lên 191.500 tỷ đồng. Năm 2019, dự kiến bội chi 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP.
Một điểm chưa bền vững nữa của bội chi ngân sách là hầu như năm nào, ngân sách nhà nước cũng thu vượt dự toán, nhưng toàn tăng thu ngân sách địa phương, còn ngân sách trung ương, trừ năm 2018 vượt thu, năm 2017 và 2016 cũng như các năm trước đây, hầu như năm nào nguồn thu giữ vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước cũng hụt so với dự toán.
Mặc dù vậy, trong trường hợp năm 2019, ngân sách trung ương tiếp tục thu vượt dự toán, thì hướng sử dụng tiền vượt thu cũng như năm 2018, vì ngoài việc chi trả nợ để giảm bội chi, ngân sách nhà nước phải thực hiện nhiều nhiệm vụ phát sinh, đặc biệt phải có nguồn để hỗ trợ các địa phương xử lý dịch tả lợn châu Phi và hạn hán, lũ lụt đang diễn biến bất thường tại miền Trung, Tây Nguyên.
Tuy nhiên, nếu quyết liệt thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ, tôi cho rằng, việc giữ mức bội chi cả giai đoạn 2016 - 2020 tương đương 3,9% GDP và năm 2020 không quá 3,5% GDP hoàn toàn có thể thực hiện được.
Trong trường hợp ngân sách trung ương hụt thu, thưa ông, lấy tiền đâu để đáp ứng nhu cầu đầu tư công trung hạn?
Tổng mức đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương (bao gồm cả vốn nước ngoài) là 1,12 triệu tỷ đồng. Kế hoạch tài chính trung hạn mới thực hiện được 3 năm, thì ngân sách trung ương có 2 năm hụt thu, một năm vượt thu, tình hình thu ngân sách trung ương năm 2019 qua 7 tháng đầu năm rất khả quan, nên nhiều khả năng, ngân sách trung ương cả giai đoạn 2016 - 2020 không hụt thu, nếu tình hình thu ngân sách trung ương năm 2019 và 2020 khả quan như năm 2018.
Trong trường hợp ngân sách trung ương hụt thu, cũng đã có nguồn xử lý là sử dụng một phần trong 200.000 tỷ đồng từ phần dự phòng chung 10% tổng mức đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, ngay cả khi ngân sách trung ương hụt thu, cũng không hề ảnh hưởng đến bội chi và mục tiêu giảm bội chi giai đoạn 2016- 2020 tối đa là 3,9% GDP và năm 2020 xuống tối đa 3,5% GDP.