Tiêu dùng
Cơ hội “lội ngược dòng” của doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất
Hoài Sương - 03/04/2024 08:12
Thị trường xuất khẩu còn khó khăn, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất đang tích cực chuẩn bị mẫu mã mới, bổ sung phân khúc sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh, nắm bắt cơ hội lội ngược dòng.
Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II

17,5 tỷ USD là mục tiêu kim ngạch xuất khẩu mà ngành lâm nghiệp đặt ra cho năm 2024. Đây là chỉ tiêu khá cao, đặc biệt trong bối cảnh xung đột chính trị trên thế giới vẫn leo thang và khó đoán định, cả yếu tố đầu vào và đầu ra của xuất khẩu đều khó khăn.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm 2024 đến ngày 15/3, gỗ và sản phẩm gỗ dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong ngành nông nghiệp, khi mang về 2,86 tỷ USD, tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, theo ghi nhận từ các hiệp hội, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý I/2024 khá lạc quan. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 6, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2024. Rất khác so với năm 2023, năm 2024 mở đầu với sức mua của thị trường thế giới ấm dần và thị trường TP.HCM đang đón những tín hiệu tích cực.

Đơn cử, Công ty TNHH Đức Thiện đã có đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 6/2024. Ông Lê Hà Trọng Châu, đại diện Công ty Đức Thiện chia sẻ, thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ của Công ty chủ yếu là Mỹ, mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu 10 - 15 container, doanh thu đạt 1 - 1,2 triệu USD. “Với những diễn biến hiện tại, doanh nghiệp dự kiến năm 2024 đạt tăng trưởng xuất khẩu khoảng 20%”, ông Châu tự tin.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), từ các dự báo về tình hình kinh tế thế giới nói chung và các nhà mua hàng nói riêng, doanh nghiệp ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ đang đứng trước cơ hội bứt phá trong năm 2024 khi lạm phát ở Mỹ - thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam - bớt gay gắt hơn.

“Năm 2024, thị trường có dấu hiệu phục hồi nhẹ, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu nhiều hơn. Trong nước, lãi suất cho vay đang ổn định, doanh nghiệp cũng đã có một năm tích lũy kinh nghiệm trong quản trị dòng tiền, nên khó khăn vơi một nửa”, ông Phương nói.

Mặt khác, hàng tồn kho ở thị trường Mỹ đã giảm xuống mức thấp và nhà nhập khẩu sẽ quay trở lại đặt hàng trong năm 2024. “Mùa làm ăn” của doanh nghiệp ngành gỗ thường bắt đầu từ quý III. Bởi vậy, ngành gỗ tự tin đạt được mục tiêu xuất khẩu đã đề ra.

 Xây dựng nhiều giải pháp

Xung đột địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp khiến chi phí logistics gia tăng; các quy định về phòng, chống suy thoái rừng sẽ được châu Âu áp dụng từ cuối năm 2024; các loại thuế về carbon sẽ đến nhanh hơn; thị trường Mỹ áp quy định về chống bán phá giá, điều tra tủ bếp… Đây là những thách thức mà doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất phải đối mặt và cần kịp thời nắm bắt thông tin để có các giải pháp ứng phó.

Đứng trước bài toán tồn tại và phát triển, mỗi doanh nghiệp đều đang nỗ lực tìm lối đi riêng. Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chia sẻ, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã chủ động phối hợp với khách hàng nước ngoài, sản xuất những mẫu mã mới mang thương hiệu riêng để chiếm lĩnh thị trường mục tiêu. Nhiều thị trường mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia, Singapore, Lào, Indonesia, Philippines… được doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai thác đang đạt mức tăng trưởng khá tốt.

Cùng với việc phát triển mẫu mã mới, Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco) tập trung kiện toàn bộ máy, tìm giải pháp tiết giảm chi phí. Ông Điền Quang Hiệp, đại diện Mifaco nhấn mạnh, dù khó khăn, Công ty vẫn dành ngân sách nhất định để đầu tư máy móc nhằm giảm chi phí nhân công, thông tin tới người lao động để tạo sự đồng lòng, quyết tâm cùng doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ là câu chuyện phát triển mẫu mã mới hay tiết giảm chi phí, theo ông Nguyễn Chánh Phương, năm nay, có khoảng 10 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Nội thất quốc tế Index 2024 (Dubai). Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM cũng hỗ trợ Hawa 1 gian hàng tại Tuần lễ Thiết kế Milan 2024 vào giữa tháng 4/2024. Có khoảng 30 doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ sẽ tham gia trực tiếp sự kiện này.

“Không chỉ 2 hội chợ nói trên, Hawa sẽ tiếp tục chọn ra những doanh nghiệp tiêu biểu để tham gia các hội chợ khác nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại. Kênh hội chợ được đánh giá là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành tìm kiếm cơ hội lội ngược dòng trong năm 2024”, ông Phương nói.

Tin liên quan
Tin khác