Tại Việt Nam, có 4 quỹ ETF ngoại và 2 quỹ ETF nội đang hoạt động, trong đó nổi bật là hai quỹ FTSE Vietnam Index ETF (FTSE) và Market Vectors Vietnam ETF (V.N.M) có quy mô khoảng hơn 300 triệu USD mỗi quỹ.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều cổ phiếu mới lên sàn có vốn hóa lớn và tính thanh khoản cao như TCB… hoạt động điều chỉnh danh mục của các quỹ ETF lại càng sôi động hơn.
Đầu tư vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên sàn
Quỹ ETF về cổ phiếu sẽ đầu tư thông qua việc mô phỏng chỉ số Index của một thị trường, thông qua việc đầu tư vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên sàn. Ví dụ, đầu tư vào top 20 công ty theo vốn hóa trên VN-Index để mô phỏng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại thị trường Việt Nam, hai quỹ FTSE và V.N.M thường đầu tư vào các cổ phiếu lớn nhất trền sàn để mô phỏng bao quát khoảng 90% giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc tái cơ cấu danh mục định kỳ của các quỹ này, tức là loại bỏ các cổ phiếu nhỏ, để thay bằng các cổ phiếu lớn vừa niêm yết và tham gia thị trường, có ảnh hưởng nhất định đến thị trường và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Nhằm mô phỏng giá trị vốn hóa thị trường, việc điều chỉnh danh mục của FTSE và V.N.M được diễn ra hàng quý. Các cổ phiếu muốn lọt vào danh mục của 2 quỹ này cần đáp ứng được các tiêu chí về quy mô vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng và room còn lại của nhà đầu tư nước ngoài.
Cách đây không lâu vào tháng 3/2018, V.N.M đã đặc cách đưa VRE vào rổ chỉ số khi mà cổ phiếu này mới được niêm yết chưa đầy 6 tháng. Với những tiêu chí trên, việc các quỹ ETF đưa các cổ phiếu mới như TCB vào chỉ số có lẽ là rất khả quan.
Nguồn: Stoxplus |
Thông tin thêm “ông lớn” mới niêm yết
TCB là ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động hiệu quả, đặc biệt là mảng bán lẻ cho phân khúc khách hàng có thu nhập khá và cao như cho vay mua nhà, sản phẩm đầu tư, phân phối bảo hiểm nhân thọ… và có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong ngành.
Sau khi bán 22% cho nhà đầu tư nước ngoài thành công với giá 128.000 đồng/cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng 200% (nhà đầu tư sở hữu 1 cổ phiếu được hưởng thêm 2 cổ phiếu mới) dự kiến sẽ chính thức được Đại hội đồng cổ đông ngân hàng biểu quyết thông qua vào ngày 14/6 tới đây, thì vốn chủ sở hữu của TCB sẽ tương đương với các ngân hàng quốc doanh đầu ngành như BIDV và VCB.
Năm 2018, TCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 10.000 tỷ đồng, tăng 25% so với 2017. Cổ phiếu ngân hàng này đã lên sàn HOSE từ ngày 4/6/2018.