Trong định hướng kinh doanh sắp tới của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn sẽ tham gia đầu tư các chuỗi sản xuất liên hợp, bao gồm từ khâu kéo sợi, dệt, nhuộm và may mặc tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (dự kiến quy mô đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng) vào tháng 4/2016 và ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) sẽ tài trợ vốn dự án này (dự kiến tài trợ 1.050 tỷ đồng). Ngoài ra, đối với dự án may mặc của Tập đoàn Vinatex, VietinBank cũng sẽ là ngân hàng tài trợ cho dự án may tại Tuyên Quang, với tổng mức đầu tư trên 240 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tài trợ cho dự án của Vinatex, VietinBank còn tiếp cận và cung cấp các sản phẩm dịch vụ toàn diện cho các tổng tông ty của Tập đoàn như: Tổng công ty Phong Phú, Hòa Thọ, May 10, May Hưng Yên, Dệt may Hà Nội, Dệt may Nam Định, May Nhà Bè... Qua đó cho thấy, cơ hội mở rộng tín dụng ở lĩnh vực dệt may và da giày đang đến rất gần đối với các ngân hàng kể từ khi Việt Nam gia nhập TPP.
Lãi suất vay vẫn được xem là trở ngại lớn đối doanh nghiệp cần vốn |
Phát biểu tại Hội thảo “TPP với ngành Dệt may và Da giày: làm gì để tận dụng cơ hội?” do Báo Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức vào ngày 24/3, bà Trần Thị Hồng Anh, Trưởng phòng phát triển sản phẩm và Marketing - Khối khách hàng doanh nghiệp của VietinBank cho biết, VietinBank hiểu rằng, bên cạnh các cơ hội, ngành dệt may, da giày cũng phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, thách thức lớn nhất của ngành dệt may khi Việt Nam hội nhập chính là nguồn vốn không đủ để họ trụ vững và cạnh tranh. Trong thời gian qua, VietinBank đã tham gia tài trợ vốn và đồng hành cùng các doanh nghiệp dệt may và da giày trong các chương trình thúc đẩy kinh doanh, các dự án trọng điểm.
“Đón những cơ hội mà TPP mang lại, ngành ngân hàng cần thấy rõ trách nhiệm cùng đồng hành với doanh nghiệp trên đường phát triển và hội nhập, đi trước dọn đường hỗ trợ doanh nghiệp vươn mình ra thế giới. VietinBank cung cấp các giải pháp tài chính, sản phẩm dịch vụ ngân hàng để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia sân chơi TPP”, bà Trần Thị Hồng Anh nói thêm.
Việc ký kết TPP cho thấy tầm quan trọng của thương mại quốc tế trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia quanh vành đai Thái Bình Dương. Cộng đồng doanh nghiệp mong chờ sự phê chuẩn nhanh chóng đối với hiệp định để có thể hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các hàng rào thương mại và cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh sang các thị trường khác, từ đó phát triển hơn.
Là một ngân hàng hoạt động tại 85% thị trường thương mại toàn cầu và hoạt động tại 10 trong tổng số 12 quốc gia của TPP, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, HSBC ở vào vị thế tốt nhất để hỗ trợ các công ty tận dụng lợi thế từ hiệp định này, nhất là dệt may, da giày.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, không phải doanh nghiệp nào trong lĩnh vực dệt may và da giày cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để mở rộng đầu tư, sản xuất, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, lãi suất vay vẫn được xem là trở ngại lớn đối doanh nghiệp cần vốn. GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, lãi suất cho doanh nghiệp dệt may, da giày hiện nay vẫn còn ở mức khá cao, khoảng 12-13%/năm. Vì vậy, để các doanh nghiệp có thể phát triển được, ngành ngân hàng cần phải xem xét hạ lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp có thể nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh chính sách thuế, Chính phủ cần có chính sách về tín dụng ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may, da giày trong nước.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinatex, để nâng sức cạnh tranh của dệt may, da giày, cần sự nỗ lực của nhiều ngành. Bên cạnh việc ngành ngân hàng xem xét về lãi suất thì các doanh nghiệp dệt may, da giày cần phải nhìn nhận lại dự án kinh doanh của mình. Theo ông Giang, một trong những cái khó của doanh nghiệp vừa và nhỏ khi vay vốn ngân hàng là vì không có tài sản đảm bảo và cách thuyết phục ngân hàng về các dự án kinh doanh không được thuyết phục. Còn với những doanh nghiệp trung bình và doanh nghiệp lớn thì không có khó khăn gì trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Vì vậy, ông Giang cho rằng, nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ không tham gia vào các chuỗi cung ứng lớn trong ngành thì sẽ khó có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.