Sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam vốn là đề tài không mới và là vấn đề đau đầu của cả các cơ quan chức năng lẫn DN trong nước. Trên thực tế, sau nhiều năm chỉ tập trung tìm đường xuất khẩu, hiện nhiều doanh nghiệp Việt đang chuyển hướng quay về thị trường trong nước. Tuy nhiên, đường trở lại không hề dễ dàng sau một thời gian bỏ lỡ.
Trao đổi với phóng viên bên lề Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản 2015, ông Lê Lộc, Giám đốc Công ty An Việt Long, một đơn vị chuyên gia công các chi tiết cơ khí chính xác cho biết công ty ông đang có sự chuyển hướng khi nhận thấy thị trường trong nước ngày càng phát triển. Dù vậy, ông cũng thừa nhận sự trở lại này không dễ dàng bởi DN Việt phải đối mặt với nhiều khó khăn từ sức ép cạnh tranh đến từ các liên doanh tập đoàn lớn đến việc thiếu sự hỗ trợ từ chính sách, vốn cũng như công nghệ kỹ thuật.
Cùng quan điểm với ông Lộc, đại diện nhiều doanh nghiệp Việt tham dự triển lãm này cũng chia sẻ về những khó khăn trong nỗ lực chiếm lĩnh thị trường nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Tuy nhiên, tiềm năng và cơ hội tại thị trường trong nước khiến họ phải nỗ lực để trụ hạng.
Trên thực tế, dạo một vòng quanh triển lãm vốn được tổ chức để hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam, không khó để nhận thấy sự lép vế của doanh nghiệp Việt so với các liên doanh nước ngoài.
Tuy vậy, đây cũng vẫn là nơi để doanh nghiệp Việt tìm kiếm cơ hội tại chính sân nhà mình dù không thật dễ dàng.
Bản thân các liên doanh đang tìm kiếm nhà cung cấp linh phụ kiện như Toyota Việt Nam cũng thừa nhận những sự kiện như triển lãm này chỉ là một trong rất nhiều kênh để họ tìm đối tác, đặc biệt là đối tác Việt Nam.
Nếu các doanh nghiệp Việt tìm cách "khoe" sản phẩm để bán thì không ít liên doanh như Toyota trưng bày các chi tiết muốn mua như phụ tùng nội thất, cao su... với hi vọng gia tăng tỷ lệ nội địa hoá và giảm giá xe.