Với câu hỏi có nên nới lỏng giãn cách với người tiêm đủ hai mũi vắc-xin Covid-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho hay, với tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 cao với số lượng hàng chục nghìn bệnh nhân khỏi bệnh, đã có miễn dịch cộng đồng thì TP.HCM có thể tính tới phương án nới lỏng giãn cách.
Cụ thể, những người đã tiêm 1 mũi vắc-xin đủ 14 ngày hoặc 2 mũi vắc-xin hay mắc Covid-19 đã khỏi bệnh có thể quay trở lại công việc của mình.
Một số chuyên gia đề xuất có thể tính tới một số nới lỏng cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, song cũng có một số ý kiến cho rằng chưa thể "mở". |
Doanh nghiệp nào có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao có thể cho trở lại làm việc, cửa hàng nào có giấy chứng nhận tiêm vắc-xin có thể cho trở lại buôn bán. Những nhà máy, công trình xây dựng đã tiêm đủ ít nhất 1 liều vắc-xin và đã qua 14 ngày có thể quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, chuyên gia cũng nêu quan điểm, việc nới lỏng giãn cách sẽ thực hiện từng phần và có giám sát.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, với một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, người dân cần tuân thủ theo quy định và 5K. Tuy nhiên, với những người đã tiêm đủ mũi vắc-xin và áp dụng 5K có thể trở lại cuộc sống làm việc, học tập bình thường.
Chuyên gia này đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn với nhóm đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin có giấy thông hành riêng. Tuy nhiên, khi cấp giấy thông hành vắc-xin cần phải tính toán người tiêm đã qua 14 ngày, đủ thời gian tạo miễn dịch hay chưa.
Đồng thời, cần phải quản lý chặt chẽ khu vực đông người. Tại khu vực tập trung ít người, mọi người đã tiêm vắc-xin và mắc bệnh đã khỏi có thể đi làm.
Cùng trả lời câu hỏi có nên nới lỏng giãn cách với người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, TS. Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực phía Bắc lại có cách nhìn khác.
TS.Thái cho biết, vừa qua trên thế giới một số nước cũng áp dụng chính sách đối với những người đã hoàn thành 2 mũi vắc-xin, không cần đánh giá kháng thể được cho phép đi lại bình thường nhưng hiện nay thực tế đang chứng minh việc áp dụng đó không ổn.
Ở những nước nới lỏng giãn cách, số lượng người bị nhiễm đột phá khá cao, lên tới 40% tùy loại vắc-xin (vắc-xin có tỷ lệ nhiễm đột phá dao động từ 20% đến 40%). “Đối với Việt Nam, hiện chúng ta cũng không biết có thuộc diện có bị nguy cơ bị nhiễm đột phá hay không?”, TS.Thái lo ngại.
Theo phân tích của chuyên gia này, việc hoàn thành 2 mũi tiêm chỉ có giá trị bảo vệ người khi nhiễm bệnh sẽ có tình trạng lâm sàng nhẹ, tải lượng virus thấp nhưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm.
“Do đó, nếu đặt ra vấn đề nới lỏng giãn cách cho người hoàn thành tiêm chủng vắc-xin Covid-19 là rất khó mà cần tính toán trên khía cạnh vùng sinh sống và hành trình đi lại của người đó", ông Thái cho hay.
Để nới lỏng giãn cách theo chuyên gia phải cần phải đánh giá được cộng đồng người này sinh sống có an toàn hay không. Địa phương được coi là an toàn là đã được tiêm chủng với tỷ lệ cao, đã tiêm hết cho những đối tượng như người cao tuổi, người bệnh nền, không có ổ dịch.
Ngược lại, vùng không an toàn là vùng tỷ lệ tiêm cho người già, có bệnh nền chỉ dưới 50% và có ca bệnh thì kể cả có tiêm đủ hai mũi vắc-xin cũng không thể an toàn và không thể nới lỏng giãn cách.
Chuyên gia này dẫn chứng, một người ở vùng ở vùng xanh và đến vùng xanh khác thì không có vấn đề. Nhưng người ở vùng xanh mà vào vùng đỏ thì có nguy cơ, không thể nào đi lại không có kiểm soát dù có tiêm vắc-xin.
Nêu quan điểm về vấn đề này theo ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, sau khi tiêm đủ liều vắc-xin (2 mũi đối với loại cần tiêm 2 liều) vẫn cần tuân thủ chủ trương chung về cách ly, giãn cách hay phong tỏa, thực hiện 5K khi có quy định và Bộ Y tế hiện chưa có quy định riêng với người đã tiêm đủ liều vắc-xin.
Với người tiêm đủ liều vắc-xin thì cơ bản là bảo vệ cho cá nhân không bị mắc bệnh nặng, giảm thấp nhất nguy cơ nhập viện, nguy cơ tử vong. Nhưng người đó vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ) và do đó vẫn là nguồn lây cho người khác.
Trong khi đó, hiện chúng ta chưa có miễn dịch cộng đồng (khi tỷ lệ tiêm vắc-xin bao phủ chưa đạt mức miễn dịch cộng đồng, ở mức 70% dân số được tiêm đủ liều 2 mũi vắc-xin trên phạm vi cả nước).
Vì vậy, người chưa được tiêm vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh từ người đã tiêm đủ vắc-xin khi tiếp xúc, nếu như khi người đã tiêm bị nhiễm SARS-CoV-2. Đồng thời người được tiêm vắc-xin mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vắc-xin và gây bùng phát dịch.
Ví dụ như, người tiêm vắc-xin nếu đi đến nới có nguy cơ cao, hoặc tiếp xúc người bệnh, có thể họ cũng bị nhiễm virus và chỉ bị bệnh nhẹ, thoáng qua, hoặc cũng không triệu chứng.
Khi về nhà hoặc đến nơi khác họ có thể lây cho người thân hoặc người xung quanh. Và trong số người bị lây bệnh từ họ mà chưa được tiêm vắc-xin lại có nguy cơ mắc bệnh nặng.
Do đó, ông Phu cho hay, để kiểm soát dịch Covid-19 lây lan, những người đã tiêm đủ liều (2 mũi) vắc-xin Covid-19 vẫn cần tuân thủ các quy định chung về giãn cách, phong tỏa, thực hiện 5K để kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh.
Đồng thời, các địa phương khi triển khai tiêm vắc-xin Covid-19, cần ưu tiên cho người cao tuổi, người có bệnh nền, vì đó những trường hợp dễ có nguy cơ gia tăng mức độ nặng cũng như tử vong nếu mắc Covid-19.
Trong giai đoạn hiện nay để đạt miễn dịch cộng đồng, các địa phương cần phải tăng tốc tiêm chủng. Đặc biệt, ông Trần Đắc Phu cho rằng, các địa phương cần ưu tiên tiêm cho những đối tượng người già, người mắc bệnh nền, vì đó những trường hợp dễ có nguy cơ gia tăng mức độ nặng cũng như tử vong nếu mắc Covid-19.
Việt Nam đã có hơn 21 triệu người tiêm 1 mũi vắc-xin Covid-19 và hơn 3 triệu người được tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19.
Hiện có TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, đã có khoảng 6 triệu người trên 18 tuổi tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ khoảng 88% và gần 400.000 người tiêm mũi 2.
TP.HCM đang dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế do tác động của Covid-19, trong đó có dự kiến áp dụng việc kiểm soát người dân di chuyển, làm việc, tham gia các hoạt động tại nơi công cộng khi đã có “giấy thông hành vắc-xin” thay cho các hình thức quản lý khác như giấy đi đường, khai báo di biến động dân cư, kết quả xét nghiệm âm tính.
Trong khi đó, tại Bình Dương, tỉnh cũng đang tính phương án cho những người dân tiêm 2 mũi vắc-xin sẽ được cấp giấy thông hành. Đồng thời, xem xét thêm đối với trường hợp tiêm 1 mũi vắc-xin đủ 20 ngày để cấp giấy thông hành trong thời gian tới. Hiện tỉnh đang giao ngành Y tế và các cơ quan chuyên môn nghiên cứu tính về phương án này.