Doanh nghiệp
Có nên thoái vốn những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả
Mạnh Bôn thực hiện - 20/07/2022 08:19
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC, phải phân tích kỹ thế nào là doanh nghiệp hiệu quả trước khi quyết định có bán vốn hay không, bán vào lúc nào.
Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Ông có thể cho biết kết quả  thoái vốn nhà nước mà SCIC  đã thực hiện trong thời gian qua?

Lũy kế kể từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại 1.020 doanh nghiệp, trong đó, bán hết vốn nhà nước tại 913 đơn vị, bán bớt vốn tại 85 đơn vị và bán quyền tại 19 đơn vị với giá trị sổ sách kế toán 11.776 tỷ đồng, thu về 48.847 tỷ đồng, gấp 4,4 lần giá trị vốn đem bán.

Ngay cả trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 (năm 2021), mặc dù kết quả không bằng những năm trước, nhưng trong bối cảnh vô cùng khó khăn, kết quả đạt được cũng khá ổn.

Cụ thể, năm 2021, chúng tôi tổ chức bán vốn tại 10 doanh nghiệp, cuối cùng bán thành công vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp, thu về 1.309 tỷ đồng, gấp 3 lần giá vốn. Còn trước đó, năm 2020, bán 572 tỷ đồng tại 10/26 doanh nghiệp, thu về 1.172 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, SCIC đã bán vốn tại 17 doanh nghiệp, kết quả đạt được có thể coi là đáng kể nếu đặt trong bối cảnh rất nhiều bộ, ngành, địa phương còn chưa bán được doanh nghiệp nào. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ bán vốn tại một số doanh nghiệp lớn, hiện tại đã hoàn thiện quy trình, hồ sơ, thủ tục.

Tuy nhiên, SCIC cũng đang gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc xác định cổ phần khi thoái vốn, xác định giá trị doanh nghiệp, nhất là việc xác định giá quyền sử dụng đất thuê trả tiền một lần vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Vướng mắc trong thoái vốn đã tác động thế nào đến hoạt động này của SCIC, thưa ông?

Tính đến đầu năm 2022, danh mục doanh nghiệp do SCIC quản lý gồm 146 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc trong triển khai thoái vốn, khiến 42 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhiều lần không thành công, 8 doanh nghiệp còn phải chờ chỉ đạo của cấp có thẩm quyền mới tiếp tục xử lý; 28 doanh nghiệp còn vướng mắc về pháp lý, công nợ, đất đai; 11 doanh nghiệp không thể thoái được vốn do thuộc diện phải giải thể, phá sản.

Trong bối cảnh hiện nay, với những đơn vị hoạt động tốt còn khó thoái vốn, thì với đơn vị kinh doanh thua lỗ thuộc diện phải giải thể phá sản sẽ càng khó hơn...

Theo quy định hiện hành, ngay cả doanh nghiệp thuộc đối tượng phải giải thể, phá sản cũng phải thoái vốn theo đúng quy định, quy trình của Nghị định 140/2020/NĐ-CP, Nghị định 132/2018/NĐ-CP và Nghị định 91/20215/NĐ-CP nên rất khó khả thi do không hấp dẫn nhà đầu tư. Ngoài ra, những doanh nghiệp này không thể lập/cung cấp được báo cáo tài chính làm cơ sở cho tổ chức tư vấn triển khai định giá, lập hồ sơ chào báo theo đúng quy định do hầu hết tài sản đã bị tổ chức tín dụng niêm phong hoặc phát mại. Thậm chí, có không ít đơn vị do bị thua lỗ nên không còn khả năng chi trả chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính.

Để “làm sạch” những doanh nghiệp này, chúng tôi đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến giải thể, phá sản và các quy định liên quan ở các luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các thủ tục giải thể, phá sản phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp nhỏ.

Trong khi các luật liên quan đến giải thể, phá sản chưa thể sửa được ngay, chúng tôi đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 140/2020/NĐ-CP cho phép bán thỏa thuận sau khi đấu giá không thành công mà không cần thực hiện các bước chào bán cạnh tranh hoặc cho phép bán thỏa thuận trực tiếp, miễn là không thấp hơn giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp đang hạch toán trên báo cáo tài chính của SCIC. Bởi với những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ thuộc diện giải thể, phá sản, càng để càng mất vốn nhà nước.

Cổ phần hóa, thoái vốn chỉ là 2 trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước. Một số quan điểm cho rằng, không nhất thiết phải bán vốn, cổ phần hóa đối với đơn vị đang hoạt động hiệu quả. Quan điểm của ông ra sao?

Hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả, là những “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách nhà nước, vì ngoài tiền thuế và các nghĩa vụ tài chính khác như doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, doanh nghiệp nhà nước còn phải nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ vào ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp còn vốn nhà nước thì với tư cách là nhà đầu tư, cổ đông, hàng năm, Nhà nước còn thu được cổ tức ngoài tiền thuế và các nghĩa vụ tài chính khác. Vì vậy, có một số quan điểm cho rằng, với những doanh nghiệp này, không nhất thiết phải cổ phần hóa, bán hết vốn nhà nước.

Tôi cho rằng, cần phải phải phân tích rất kỹ thế nào là một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mới đưa đến quyết định có tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn hay không, chứ không phải bất cứ doanh nghiệp nào đang đóng góp nhiều vào ngân sách nhà nước sẽ loại ra khỏi danh sách thoái vốn, cổ phần hóa.

Theo tôi, doanh nghiệp nhà nước hiệu quả không chỉ là doanh nghiệp đang làm ăn tốt, mà phải là doanh nghiệp còn khả năng phát triển, khả năng tăng trưởng tốt trong tương lai. Những đơn vị đang còn vốn nhà nước làm ăn hiệu quả, nhưng trong tương lai khó có thể tăng trưởng như hiện tại với rất nhiều lý do như thị trường bão hòa, phải cạnh tranh với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp, xuất khẩu không còn thuận lợi như hiện tại... thì hiệu quả nhất chính là thoái vốn. Lý do là, thoái vốn tại thời điểm doanh nghiệp đang làm ăn tốt thì ngân sách nhà nước mới thu được số tiền cao nhất có thể.

Tin liên quan
Tin khác