Tài chính - Chứng khoán
Cổ phiếu bảo hiểm không còn là "của để dành"
Kim Lan - 04/02/2018 16:36
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm dự báo khởi sắc khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm nhích lên, cùng với hoạt động M&A trong ngành tiếp tục sôi động là cơ sở cho dự báo cổ phiếu ngành này khởi sắc trong năm 2018.

Kết quả kinh doanh khả quan

Với dự báo nền kinh tế khởi sắc hơn trong năm 2018, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, môi trường lãi suất sẽ có lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Nhiều công ty chứng khoán khác cũng đưa ra nhận định, lợi nhuận toàn ngành bảo hiểm sẽ được cải thiện khi mặt bằng lãi suất nhích lên. Bởi hiện nay, hoạt động đầu tư tài chính đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó danh mục đầu tư tập trung vào trái phiếu chính phủ và tiền gửi ngân hàng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ luôn duy trì tỷ trọng 70% trong danh mục đầu tư cho kênh tiền gửi tiết kiệm. Được biết, mức đầu tư trở lại nền kinh tế của khối này trong năm 2017 ước đạt 38.841 tỷ đồng.

Trong số các doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán, chiếm đa số là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ (BMI, PTI, PGI, BIC hay BLI, MGI, ABI). Chỉ có Vinare chuyên hoạt động trong lĩnh vực tái bảo hiểm.

BVH và PVI hoạt động theo mô hình mở hơn, ngoài sở hữu các công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ thì còn có các công ty con hoạt động trong các lĩnh vực khác. Cụ thể, BVH có công ty bảo hiểm nhân thọ, công ty chứng khoán, quản lý quỹ, ngân hàng, trong khi PVI có mảng tái bảo hiểm, quản lý quỹ, phát triển tài sản. Hai doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng của nguồn thu khác ngoài bảo hiểm. Các mảng hoạt động này của BVH và PVI đều được hưởng lợi từ sự khởi sắc mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và bất động sản trong năm qua.

Trong báo cáo trung tuần tháng 10/2017 của Công ty Chứng khoán MB (MBS), công ty này đã nhận định, năm 2018, lợi nhuận của PVI tăng trưởng khả quan nhờ một số dự án phát triển tài sản, trong đó có dự án Embassy Garden.

…và hiệu ứng M&A

Việc nới room ngoại lên 100% thu hút sự quan tâm của các đối tác chiến lược nước ngoài tại các doanh nghiệp bảo hiểm cũng là trợ lực thúc đẩy giá cổ phiếu của các công ty bảo hiểm. Năm qua, quá trình thương thảo bán 20% cổ phần của Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài Samsung Fire&Marine Insurance Company Ltd khiến cổ phiếu của doanh nghiệp này có những phiên thăng hoa.

Trong khi đó, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, kết quả kinh doanh của  Tổng công ty Bảo Minh (BMI) có thể được cải thiện đáng kể nếu phần vốn góp của SCIC tại doanh nghiệp này được bán cho một đối tác nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm về bảo hiểm.

Thông tin từ BMI cho biết, Công ty đã tìm được động lực tăng trưởng mới sau một thời gian dài tăng trưởng chậm hơn thị trường và chịu suy giảm thị phần. Việc hợp tác với các tổ chức tài chính, công ty tài chính tiêu dùng trong khai thác bảo hiểm tai nạn con người đã giúp BMI đạt được mức tăng trưởng tốt trong năm qua. Theo đó, năm 2017, BMI ghi nhận lợi nhuận trước thuế 199,26 tỷ đồng (kế hoạch là 198 tỷ đồng).

Một số doanh nghiệp khác cũng vừa công bố mức lãi tăng cao như BVH (lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng 37,9%), PJICO (tổng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 24%, ước đạt 155 tỷ đồng), PVI (lợi nhuận trước thuế ước đạt 475 tỷ đồng, hoàn thành 152,76% kế hoạch).

Nếu như trước kia, cổ phiếu khối doanh nghiệp bảo hiểm được xem là “của để dành” vì biến động giá không lớn, trong khi cổ tức được duy trì ổn định ở mức trên lãi suất tiết kiệm một chút thì từ nửa cuối năm 2017, diễn biến giá cổ phiếu bảo hiểm khá tích cực.

Trong đó, BVH đóng cửa phiên ngày 30/1/2018 với mức 85.700 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng khoảng 40% so với đầu năm 2017, giá trị vốn hóa tăng lên 2,5 tỷ USD. Còn giá cổ phiếu PVI tăng dần theo từng quý và tại thời điểm 29/12/2017 tăng gần 40% so với thời điểm 31/12/2016.

Tin liên quan
Tin khác