Ngay 20 phút đầu giờ, cổ phiếu BID đã tăng 800 đồng/cổ phiếu, lên mức cao nhất là 19.500 đồng/cổ phiếu, sau đó cổ phiếu BID luôn giao dịch trong trạng thái tăng điểm trong toàn bộ phiên giao dịch đầu tiên.
| ||
BIDV là doanh nghiệp thứ 354 niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Ảnh: Đức Thanh |
BIDV đã phát hành cổ phần lần đầu tư ra công chúng (IPO) từ cuối năm 2011, nhưng sau hơn 2 năm, ngân hàng này mới đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung.
Nói về lý do lựa chọn thời điểm này để niêm yết cổ phiếu của BIDV, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, thời gian qua, BIDV luôn theo sát diễn biến của thị trường chứng khoán cũng như những biến chuyển chung của nền kinh tế để lựa chọn thời điểm niêm yết thuận lợi nhất, nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các cổ đông.
“Qua phân tích, nhận định các yếu tố kinh tế vĩ mô đang diễn biến khả quan, thị trường chứng khoán đang trên đà tăng trưởng, chúng tôi đã quyết định lựa chọn đây là thời điểm thuận lợi để đưa cổ phiếu lên niêm yết”, ông Hà nói.
Hiện tại, vốn điều lệ của BIDV (hơn 28.000 tỷ đồng) nhỏ hơn so với hơn 37.000 tỷ đồng vốn điều lệ của VietinBank. Tuy nhiên, biến động cổ phiếu BID của BIDV sẽ có ảnh hưởng lớn hơn so với biến động cổ phiếu phiếu CTG của VietinBank.
Khác với VietinBank, BIDV khi niêm yết đã niêm yết cả phần vốn nhà nước, trong khi VietinBank chỉ niêm yết phần cổ phiếu do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ. Do vậy, mặc dù số cổ phiếu đang lưu hành của VietinBank lên tới hơn 3,7 tỷ cổ phiếu, nhiều hơn con số hơn 2,8 tỷ cổ phiếu của BIDV, song số cổ phiếu đang niêm yết của VietinBank chỉ là hơn 1,3 triệu cổ phiếu, chưa bằng một nửa so với lượng cổ phiếu BID của BIDV vừa được đưa lên sàn chứng khoán.
Tính về giá, thị giá của cổ phiếu BID đang nằm trong nhóm thị giá cao so với các cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết. Theo đó, cổ phiếu BID hiện chỉ thấp hơn so với cổ phiếu VCB của Vietcombank và STB của Sacombank.
Trong khi đó, 5 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết khác đều có thị giá thấp hơn so với BID. Đó là các cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu (hiện có thị giá hơn 16.000 đồng/cổ phiếu), CTG của VietinBank (dưới 17.000 đồng/cổ phiếu), EIB của Eximbank (khoảng 13.800 đồng/cổ phiếu), MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (khoảng 13.700 đồng/cổ phiếu) và SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (hơn 7.200 đồng/cổ phiếu).
Theo thông tin từ BIDV, trong năm 2013, tốc độ tăng trưởng huy động vốn và dư nợ tín dụng đều đạt trên 16%, nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,3%, lợi nhuận trước thuế đạt 5.233 tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2012.
Năm 2013, BIDV hoàn tất việc phát hành cổ phần bổ sung cho cổ đông hiện hữu, với số lượng 510.032.102 cổ phiếu, tương đương 5.100 tỷ đồng và phát hành 3.150 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng này hiện ở mức trên 10%.
Hiện tại, BIDV đang xúc tiến thương vụ hợp tác với Công ty bảo hiểm Metlife (là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Hoa Kỳ) để chuẩn bị việc thành lập Công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ.
Năm 2014, BIDV dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế tối thiểu 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 2,6%. Chỉ số thu nhập trên tổng tài sản (ROA) là 0,78%, thu nhập trên vốn (ROE) là 13,3%, tỷ lệ cổ tức ở mức 8 - 9%.
Chí Tín