DSC - Đỉnh giá cao nhì khối
Trái ngược với diễn biến đi xuống của VN-Index trong giai đoạn đầu quý II/2018, giá cổ phiếu DSC của Công ty Chứng khoán Đà Nẵng đăng ký giao dịch trên UPCoM liên tục tăng mạnh trong tháng 4 và đạt đỉnh tại mức giá 114.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 11/5.
Từ giữa tháng 5 đến cuối quý II/2018, giá cổ phiếu DSC giảm còn 79.500 đồng/cổ phiếu tại thời điểm kết thúc quý II/2018 (ngày 29/6), nhưng mức giá này vẫn ở mức cao ngất ngưởng so với cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán lớn, hoạt động hiệu quả.
Trong quý II/2018, thị trường chứng kiến đà giảm mạnh của giá cổ phiếu ngành chứng khoán, trong đó nhiều “ông lớn” giảm trên 30%. Chẳng hạn, cổ phiếu VND của Công ty Chứng khoán VNDIRECT giảm 41,3%, từ 29.550 đồng/cổ phiếu ngày 2/4 xuống 17.350 đồng/cổ phiếu khi kết thúc quý II.
Cổ phiếu SSI của Công ty Chứng khoán Sài Gòn giảm 30,1%, thời điểm cuối quý II về mức 28.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong cùng khoảng thời gian, giá cổ phiếu DSC chỉ giảm hơn 3%.
Trong 8 tháng qua, giá cổ phiếu DSC lập kỷ lục vào ngày 11/5, đạt 114.000 đồng/cổ phiếu, chỉ đứng sau cổ phiếu VCI của Công ty Chứng khoán Bản Việt, với thị giá 118.000 đồng/cổ phiếu.
Thị giá DSC đạt vị trí “á quân” là điều bất ngờ, bởi xét về nhiều mặt, Công ty không cùng đẳng cấp với SSI, VND cũng như một số cổ phiếu chứng khoán lớn khác, nhưng đỉnh giá lại gấp đôi đỉnh giá cổ phiếu SSI và gần gấp ba đỉnh giá cổ phiếu VND (xem bảng).
DSC có phạm vi hoạt động hẹp ở khu vực thị trường miền Trung, đường hướng phát triển không có sự khác biệt, sản phẩm, dịch vụ cung cấp khá nghèo nàn (môi giới, tư vấn).
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính bán niên 2018 đã được soát xét, DSC đạt 35,5 tỷ đồng doanh thu, 24,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt hoàn thành 50,4% và 48,8% kế hoạch năm.
Con số lợi nhuận này ở mức cao so với vốn điều lệ 60 tỷ đồng, nhưng một số ý kiến cho rằng, lợi nhuận của DSC nhiều khả năng không bền vững.
Bởi lẽ, 6 tháng đầu năm, doanh thu môi giới của DSC chỉ đạt 4,5 tỷ đồng, chiếm hơn 13% tổng doanh thu; doanh thu từ nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán chiếm tới 86% tổng doanh thu, đạt gần 29,4 tỷ đồng, trong khi năm ngoái chỉ đạt 19 triệu đồng.
Trước đó, năm 2017, Công ty lãi 10,5 tỷ đồng sau thuế; năm 2016 lỗ 3 tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018 vừa qua của DSC đã thông qua phương án phát hành 8 triệu cổ phiếu (tương đương 80 tỷ đồng theo mệnh giá) cho cổ đông hiện hữu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (giá trị sổ sách tại ngày 31/12/2017 là 10.138 đồng/cổ phiếu), để tăng vốn điều lệ lên hơn 140 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông của DSC khá cô đặc. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2018, cổ đông lớn nhất của Công ty là Việt Nam Equity sở hữu 60% cổ phần. Hai cổ đông tổ chức khác là Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (cổ đông sáng lập), nắm giữ 10% cổ phần; Việt Nam Equity Plus, sở hữu 0,53% cổ phần.
Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng quản trị DSC Nguyễn Phú Đông Hà đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Việt Nam Equity và Việt Nam Equity Plus. Số cổ phần còn lại chủ yếu nằm trong tay Ban lãnh đạo DSC và người có liên quan.
HFT - Giá cao nhưng mất thanh khoản
Cổ phiếu HFT của Công ty Chứng khoán HFT có mức giá cao nhất trong 8 tháng đầu năm nay là 33.800 đồng/cổ phiếu, vượt qua mã VND.
Thời điểm cuối tháng 6/2018, HFT có lỗ lũy kế gần 16,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 84,6 tỷ đồng so với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Công ty này được hình thành sau quá trình tái cấu trúc Công ty Chứng khoán Mê Kông.
Trong quá khứ, hiệu quả kinh doanh yếu kém khiến sức khỏe tài chính của Chứng khoán Mê Kông liên tục đi xuống. Hệ quả, Công ty từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ hoạt động.
Lịch sử giao dịch cổ phiếu HTF cho thấy, Công ty chào sàn UPCoM từ đầu năm với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 11.200 đồng/cổ phiếu, sau đó gần như liên tục tăng trần, với thanh khoản nhỏ giọt. Từ ngày 7/2 đến nay, HTF chỉ có 3 giao dịch vào ngày 6/3, 20/4 và 31/8, với giá tăng mạnh.