Ảnh minh họa |
Chia sẻ trong một buổi hội thảo trung tuần tháng 2/2023, PGS-TS. Phạm Thế Anh, giảng viên Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, năm 2023, ngoại trừ đầu tư công, các mảng cầu còn lại của nền kinh tế như tiêu dùng, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu không có nhiều điểm sáng.
Không khó để nhận ra, cứ mỗi khi có thông tin thêm về việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hay thông tin có doanh nghiệp trúng thầu dự án mới…, là cổ phiếu lập tức bật tăng.
Điển hình như phiên ngày 1/3, nhiều cổ phiếu vừa giảm mạnh trước đó đã bật mạnh trở lại, trong đó, nhóm cổ phiếu đầu tư công hút mạnh dòng tiền ngắn hạn: KSB tăng kịch trần lên 24.250 đồng/cổ phiếu; VCG tăng 6,25%, LCG tăng trần 12.250 đồng/cổ phiếu, HHV đóng cửa với sắc tím; PLC tăng hơn 8%... Góp sức cho đà tăng này là thông tin, trong 2 tháng đầu năm, gần 57.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được thực hiện, tăng 18,3% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, thông tin trúng gói thầu mới cũng được một số doanh nghiệp trong ngành công bố. Lizen (LCG) dẫn đầu liên danh các nhà thầu ký kết hợp đồng Gói thầu XL01, Dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang. Liên danh Cienco4 - Tổng công ty 36 - Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần 471 trúng gói thầu XL01 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Bùng - Vạn Ninh...
Mới đây, liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả - Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả tiếp tục trúng gói thầu giá trị 4.129 tỷ đồng; liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả - Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Trường Long trúng gói thầu 6.686 tỷ đồng.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, đầu tư công là nhóm ngành chính phải có trong danh mục đầu tư trong năm 2023. Sau khi đã chịu nhiều tác động không tích cực trong vài năm qua, như giải ngân chậm, thị trường bất động sản gặp khó khăn, xây dựng công nghiệp và xây dựng dân dụng đều có chiều hướng đi xuống, giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, thì năm nay, sẽ là năm có nhiều cơ hội.
Tuy nhiên, không hẳn doanh nghiệp nào trong ngành cũng hưởng lợi. Bên cạnh đó, câu chuyện vùng giá mua cổ phiếu cũng là vấn đề nhà đầu tư quan tâm. Theo ông Phạm Thế Anh, nhà đầu tư không nên kỳ vọng thái quá. Chẳng hạn, với các doanh nghiệp liên quan đến xây lắp, xây dựng, đầu tư công, nhà đầu tư cần có đánh giá cụ thể, chi tiết về biên lợi nhuận, khả năng tạo ra lợi nhuận từ các dự án đầu tư công.
Thông thường, thời gian doanh nghiệp xây lắp hạ tầng thực hiện một dự án sẽ kéo dài 1 - 3 năm, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng được hạch toán tương ứng với từng loại dự án. Chưa kể, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp này thường không quá cao, nếu không có thêm các mảng khác bổ trợ.
Thực tế cũng cho thấy, năm 2022, nhiều doanh nghiệp trúng thầu lớn dù có mức tăng trưởng tốt về lợi nhuận sau thuế, nhưng dòng tiền kinh doanh lại giảm mạnh so với năm 2021.
Chuyên gia của Mirae Asset cho rằng, được hỗ trợ nhiều thông tin tích cực đã giúp nhóm cổ phiếu đầu tư công trở thành nhóm hồi mạnh nhất thị trường. Tính từ khi VN-Index chạm đáy vào ngày 16/11/2022 đến 22/2/2023, các cổ phiếu đầu tư công đã có mức hồi phục trung bình 48% so với mức 11,8% của VN-Index, trong đó, các cổ phiếu như FCN, VCG, C4G và LCG có mức hồi phục tốt hơn mức trung bình. Nhưng, nhà đầu tư cần quan tâm hơn đến dòng tiền doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư.
Có thể thấy, khi thị trường chứng khoán ảm đạm kéo dài, không có nhiều thông tin tích cực, thì chỉ cần có một tin tốt cũng là “cái cớ” để dòng tiền ngắn hạn tham gia, nhưng ít khi có “dòng tiền lớn” nhảy vào. Đó cũng là lý do chỉ có những con sóng ngắn cho nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến đầu tư công (chí ít là đến thời điểm hiện nay). Theo đó, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ những vùng mua, tuyệt đối không mua theo hiệu ứng đám đông để tránh rủi ro.