Trong nửa đầu năm nay, Hóa chất Đức Giang đã gần như hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của cả năm. Ảnh: DGC |
Gió đổi chiều khi giá phốt pho vàng lao dốc
Theo dữ liệu của Sàn SunSirs (Trung Quốc), giá phốt pho vàng tại Trung Quốc ngày 16/8 là 28.000 nhân dân tệ/tấn, giảm hơn 29,2% so với cuối tháng 5 và dự kiến còn giảm tiếp.
Được biết, phốt pho vàng, bột giặt, chất tẩy rửa là sản phẩm kinh doanh chính và cốt lõi của Hóa chất Đức Giang trong những năm gần đây. Công ty xuất khẩu các sản phẩm liên quan tới phốt pho vàng sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong năm 2020 và 2021, giá phốt pho vàng thế giới tăng cao, giúp Công ty cải thiện biên lợi nhuận. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp năm 2019 đạt 19,77%, năm 2020 đạt 23,72%, năm 2021 đạt 33,32% và 6 tháng đầu năm 2022 đạt 50,2%.
Việc giá phốt pho vàng đang lao dốc là dấu hiệu cảnh báo yếu tố thuận lợi nhất đối với Hóa chất Đức Giang đã qua đi, Công ty có thể bắt đầu thu hẹp biên lợi nhuận gộp trong những tháng sắp tới.
Nếu như giá phốt pho vàng không có đột biến đảo chiều từ giảm sang tăng, thì triển vọng các doanh nghiệp hoá chất nói chung và Hóa chất Đức Giang nói riêng sẽ khó quay trở lại thời hoàng kim như 2 năm vừa qua.
Nhà đầu tư không còn ưa thích cổ phiếu DGC
Ngày 19/7, Hóa chất Đức Giang công bố Báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu tăng 96,3% so với cùng kỳ năm trước, lên 4.002,35 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 4,69 lần, lên 1.894,44 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 91,5%, lên 7.636,73 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 4,44 lần, lên 3.401,2 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục từ trước tới nay của Công ty.
Trong đó, Công ty cho biết, doanh thu 6 tháng đầu năm tăng trưởng chủ yếu do sản lượng sản xuất tăng, doanh thu các mặt hàng tăng, giá bán tăng (doanh thu phốt pho vàng tăng 185%, doanh thu các mặt hàng phân bón tăng 62,8% so với cùng kỳ năm trước…). Ngược lại, giá vốn các mặt hàng chỉ tăng 24,26%, thấp hơn nhiều tốc độ tăng doanh thu, nên giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp, lên mức 50,2% trong nửa đầu năm nay. Đây là mức cao nhất từ trước tới nay.
Trong năm 2022, Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch tổng doanh thu 12.117 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty đã hoàn thành tới 97,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Mặc dù công bố bức tranh tài chính kỷ lục, nhưng giá cổ phiếu của Hóa chất Đức Giang lại có xu hướng diễn biến trái ngược.
Cụ thể, từ ngày 19/7 đến 16/8, cổ phiếu DGC đã giảm 4%, từ 97.500 đồng về 93.600 đồng/cổ phiếu (cùng thời gian, Chỉ số VN-Index tăng 8,2%, lên 1.274,69 điểm). Nếu nhìn rộng từ ngày 16/6 đến nay, cổ phiếu DGC đã giảm 30,5% (từ mức đỉnh 134.700 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên, giá cổ phiếu DGC vẫn cao hơn rất nhiều so với mức đáy trước khi tăng vào tháng 10/2020. Khi đó, cổ phiếu chỉ giao dịch ở vùng 16.000 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù thị trường bước vào giai đoạn hồi phục mạnh, nhưng cổ phiếu DGC lại giảm điểm và có dấu hiệu dòng tiền bị rút ra. Như vậy, nhiều khả năng, giá cổ phiếu này sẽ còn tiếp tục xu hướng giảm.
Có thể thấy, giới đầu tư mặc dù đón nhận thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh, nhưng đang hành động ngược lại khi thực hiện bán mạnh cổ phiếu DGC, trái với diễn biến hồi phục của thị trường.
Ngoài ra, trên sàn vẫn còn một trường phái nhà đầu tư sử dụng mô hình CANSLIM để lọc cổ phiếu dựa trên các tiêu chí doanh thu, lợi nhuận, EPS phải tăng trưởng 20-25% trong các quý liên tiếp. Nếu áp theo phương pháp này, cổ phiếu DGC chắc chắn thỏa mãn và nằm trong danh sách khuyến nghị mua.
Tuy nhiên, mô hình CANSLIM chỉ mang lại hiệu quả nếu kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng đều đặn và dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Thêm nữa, đối với cổ phiếu của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chu kỳ, bị chi phối bởi giá bán sản phẩm sẽ có thể có sự khác biệt, đặc biệt trong bối cảnh bức tranh lợi nhuận có thể suy giảm trong thời gian tới.
Thực tế, mô hình CANSLIM đã từng mang lại hiệu quả đầu tư cho nhà đầu tư nếu mua được cổ phiếu của doanh nghiệp mới bắt đầu giai đoạn tăng tốc hoạt động kinh doanh.