Trong nhịp tăng giá vừa qua, cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan là cổ phiếu tăng ấn tượng nhất. Trong tuần giữa tháng 1, cổ phiếu MSN đã tăng giá 11%, còn nếu tính từ đầu năm 2014 đến ngày 20/1, cổ phiếu này đã tăng từ 82.000 đồng/cổ phiếu lên trên 99.000 đồng/cổ phiếu, tăng 16%.
| ||
Masan là công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán có sức chi phối rất mạnh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Trong đó, công ty con của Tập đoàn Masan là Masan Consumer hiện nắm giữ cổ phần chi phối trong rất nhiều hãng tiêu dùng lớn, với 53,2% cổ phần tại Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa, 63,5% cổ phần tại Công ty cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo và 40% cổ phần tại Công ty cổ phần Thức ăn gia súc Việt Pháp (Proconco).
Những thương hiệu chủ chốt của Masan Consumer hiện đều khá quen thuộc tại các siêu thị, nhà hàng như Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafé, Wake Up, Kachi và Vĩnh Hảo.
Masan hiện có các chiến lược khá rõ ràng cho từng thương hiệu, sản phẩm. Mỗi dòng sản phẩm chính đều có một thương hiệu cao cấp (Chin-su cho ngành hàng nước chấm, Omachi cho ngành hàng mì ăn liền và Vinacafé cho ngành hàng cà phê) và các thương hiệu phổ thông (Nam Ngư, Tam Thái Tử cho nước chấm, Tiến Vua và Kokomi cho mì ăn liền...).
Trong khi đó, đại diện của sàn HNX là Công ty cổ phần Đầu tư F.I.T (mã FIT) hiện cũng có các kế hoạch rõ ràng trong việc đón bắt cơ hội phục hồi sức tiêu dùng khi nền kinh tế hé lộ một số điểm sáng.
Để tăng sức mạnh hoạt động quản lý các công ty con hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng, F.I.T đang tìm kiếm một phó tổng giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh người nước ngoài.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Tổng giám đốc F.I.T, việc Công ty cần một nhân sự cao cấp người nước ngoài là vì nhiều đối tác hiện nay của là Minh Hào (công ty liên kết của F.I.T) là các đối tác nước ngoài. “Việc tuyển dụng một nhân sự cao cấp để phát triển mảng kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh tại các công ty con và công ty liên kết là cần thiết”, bà Nguyệt nói.
Theo kế hoạch kinh doanh thời gian tới của F.I.T, hai công ty liên kết là Minh Hào và Sao Nam đang có những bước chuẩn bị để nhắm tới mục tiêu tăng trưởng gấp đôi. Trong khi đó, công ty mẹ F.I.T vẫn là doanh nghiệp đầu tư, song định hướng đầu tư tập trung vào các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, khai khoáng…
Trong khi đó, VNM của đại gia ngành sữa Vinamilk vẫn là cổ phiếu được giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2014, dù đã ở mức giá khá “khủng”, tới trên 140.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 20/1.
Giữa tháng 1/2014, Vinamilk đã công bố khoản đầu tư 23 triệu USD, tương đương tỷ lệ cổ phần sở hữu 51%, tại Công ty sữa Angkor Dairy Products tại Phnom Penh (Campuchia).
Đây là nhà máy chế biến các sản phẩm sữa phục vụ thị trường Campuchia, với công suất chế biến hàng năm đạt 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hũ sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc.
Cuối năm 2013, Vinamilk cũng đã công bố khoản đầu tư 7 triệu USD để nắm 70% cổ phần tại Công ty Driftwood tại California (Mỹ). Đây là công ty chuyên sản xuất và phân phối sản phẩm từ sữa, nước hoa quả và đồ ăn nhẹ.
Hải Bằng