Nhựa Hà Nội là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ cho các tên tuổi lớn như Honda, Toyota, Piaggio |
Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội vừa được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chấp thuận đăng ký giao dịch 6,5 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM từ ngày 8/9, với giá tham chiếu 66.000 đồng/CP.
Giá tham chiếu của NHH là khá cao nếu so sánh với các cổ phiếu cùng ngành đang được niêm yết vào giao dịch trên thị trường. Cụ thể, cổ phiếu PLP của CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê chào sàn HOSE ngày 21/8 với giá 12.000 đồng/cổ phần, sau 10 phiên tăng trần mới chỉ đạt 26.300 đồng/cổ phần. Hay một cổ phiếu ngành nhựa “lão làng” khác là AAA của CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát hiện giao dịch ở mức giá 32.450 đồng/cổ phần (đóng cửa ngày 1/9).
Nhựa Hà Nội tiền thân là Xí nghiệp Nhựa Hà Nội trực thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội, được được thành lập từ năm 1972. Nhựa Hà Nội đã chuyển sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2008.
Tại thời điểm IPO (cuối năm 2007), TP. Hà Nội đã chào bán 1.122.800 cổ phần NHH với giá 10.300 đồng/cổ phần, nhưng chỉ bán thành công 834.800 cổ phần với giá trung bình 27.958 đồng/cổ phần, cao gấn gần 3 lần so với giá chào bán.
Sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Nhựa Hà Nội chưa tiến hành tăng vốn. Vốn điều lệ hiện tại của Nhựa Hà Nội là 65 tỷ đồng, trong đó UBND Thành phố Hà Nội nắm giữ 81,71% cổ phần. Số cổ phần còn lại do 349 cổ đông cá nhân nắm giữ.
Hoạt động chính của Nhựa Hà Nội là sản xuất các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ như phụ tùng ô tô, xe máy, linh kiện điện, điện tử, xây dựng, cung cấp các hộp nhựa, pallet công nghiệp cho các ngành sản xuất công nghiệp trong nước. Nhựa Hà Nội cũng là đối tác của các hãng xe như Honda, Toyota, Piaggio, và còn là đối tác của LG, Panasonic…
Công ty Nhựa Hà Nội có Nhà máy Nhựa cao cấp hoạt động tại phường Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội. Ngoài ra, công ty còn có nhà máy thứ hai đặt tại Hưng Yên.
Ngoài ra, Nhựa Hà Nội còn có công ty con là Công ty TNHH Phát triển xuất nhập khẩu và đầu tư Viexim, do Nhựa Hà Nội nắm giữ 100% vốn (20,7 tỷ đồng).
Đáng chú ý, Nhựa Hà Nội tuy chỉ có vốn điều lệ 65 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2016 lên tới 163,49 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản đạt 481 tỷ đồng.
Năm 2015 và 2016, NHH đạt doanh thu lần lượt 922,5 tỷ đồng và 977,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng 70,9 tỷ đồng và 69,5 tỷ đồng. Các chỉ tiêu tài chính của Nhựa Hà Nội đều rất tốt, ROE (Tỷ suất Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu) năm 2016 đạt 24,04%.
Năm 2017, NHH đặt kế hoạch doanh thu đạt 850 tỷ đồng, lãi sau thuế 44 tỷ đồng và trả cổ tức 20%, ROE đạt 32,45%.
Việc cổ phiếu NHH được chấp thuận giao dịch trên UPCoM được công bố ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt "Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020", trong đó nêu rõ TP. Hà Nội sẽ phải thoái toàn bộ 81,71% vốn cổ phần đang nắm giữ tại Nhựa Hà Nội trong năm 2017.
Nếu thương vụ thoái vốn diễn ra thành công với toàn bộ 5,3 triệu cổ phần được “sang tay” với giá 66.000 đồng/cổ phần, TP. Hà Nội sẽ thu về trên 350 tỷ đồng.