HPG là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong nửa đầu năm 2023. |
Nửa năm vẫn duy trì trạng thái mua ròng dù "nhen nhóm" đảo chiều các tháng gần đây
Thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2023 có sự hồi phục tương đối tốt sau một năm 2022 tiêu cực. Dù vậy đà hồi phục của các chỉ số chung không quá mạnh và đều xuất hiện những nhịp biến động rất mạnh. Khép lại nửa đầu năm, VN-Index đứng ở mức 1.120,18 điểm, tương ứng tăng 113,09 điểm (11,23%) so với cuối tháng 12/2022. Tương tự, HNX-Index tăng 20,63 điểm (10,05%) lên 225,94 điểm, UPCoM-Index cũng tăng 14,35 điểm (20,03%) lên 86 điểm.
Khối ngoại sau quý I giao dịch có phần tích cực thì đã có rút ròng khá mạnh ở các tháng của quý II. Riêng quý II, khối ngoại bán ròng hơn 5.000 tỷ đồng trên cả 3 sà. Dù vậy, tính chung cả nửa đầu năm 2023, khối ngoại mua ròng 1.945 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng 165 tỷ đồng.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE và biến động VN-Index. |
Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 302 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, nếu chỉ tính khớp lệnh, dòng vốn này mua ròng lên đến 2.140 tỷ đồng. Khối ngoại sàn HoSE đang có 3 tháng bán ròng liên tiếp (tháng 4, 5 và 6).
Ở giao dịch thỏa thuận, khối ngoại bán ròng cổ phiếu EIB, thu về hàng ngàn tỷ đồng. Phần lớn do giao dịch bán của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Giữa tháng 1/2023, tổ chức này bán thoả thuận 132,8 triệu cổ phiếu EIB, giảm sở hữu từ 10,8 về còn 4,27%. Các giao dịch sau của SMBC không còn nằm trong diện cần báo cáo. Ngoài EIB, VHM cũng bị bán ròng thỏa thuận 830 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, khối ngoại mua ròng tổng cộng 1.432 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Hiện khối ngoại sàn này chỉ bán ròng duy nhất vào tháng 4 với giá trị khiêm tốn hơn 13 tỷ đồng.
Tại sàn UPCoM, khối ngoại cũng mua ròng 825 tỷ đồng, tuy nhiên, nếu xét về khối lượng, dòng vốn này bán ròng 9,2 triệu cổ phiếu.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HNX và biến động HNX-Index |
Tâm điểm cổ phiếu quốc dân HPG, “nóng” thương vụ ở Sữa Quốc tế và Sotrans
Trong nửa đầu năm, cổ phiếu HPG của “vua thép” Hòa Phát được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị lên đến 4.870 tỷ đồng. Lực cầu của khối ngoại cũng đã đóng góp đáng kể trong xu hướng tăng của cổ phiếu này kể từ đầu tháng 6. Hiện giá cổ phiếu Hòa Phát đã tăng lên quanh mốc 27.000 đồng từ vùng giá 20.000 đồng đã tích lũy khá lâu. Xu hướng tăng còn được hỗ trợ bởi kỳ vọng ngành thép đi qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu thụ thấp của thị trường. Đứng thứ hai, SSI cũng được khối ngoại mua ròng 1.339 tỷ đồng. Cổ phiếu của Sotrans (STG) cũng bất ngờ được mua ròng 1.285 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch 19/5, PSA Cargo Solutions Vietnam Investment đã bất ngờ mua vào gần 24,5 triệu cổ phiếu STG, tương đương 24,9% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn. Trung tuần tháng 6 vừa qua, tổ chức từ Singapore này đã tiếp tục gửi hồ sơ đề nghị chào mua công khai để tăng sở hữu lên lên 30,0% vốn. Ước tính theo mức giá 48.000 đồng/cổ phiếu, PSA Cargo Solutions Vietnam Investment Pte. Ltd sẽ cần chi khoảng 240 tỷ đồng để gom đạt tỷ lệ trên.
Top 10 cổ phiếu mua ròng và bán ròng mạnh nhất trên sàn HoSE |
Một giao dịch đáng chú ý khác của khối ngoại là cổ phiếu IDP của CTCP Sữa Quốc tế. Đây là là cổ phiếu có giá trị mua ròng của khối ngoại lớn nhất sàn UPCoM với 1.346 tỷ đồng, bỏ xa mã chứng khoán được mua ròng nhiều thứ hai ở sàn này là LTG (42 tỷ đồng).
Giá trị mua đột biến ở cổ phiếu IDP đến từ giao dịch mua 5,3 triệu cổ phiếu IDP của Quỹ Daytona Investments Pte. Ltd hôm 12/4. Đây là quỹ từ Singapore, vừa thành lập vào tháng 2/2023 và được xác định là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (do Chứng khoán Vietcap cấp). Trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ dự kiến thực hiện trong quý III/2023, Sữa Quốc tế cũng sẽ tiếp tục bán 2.405.000 cổ phiếu mới cho 1 nhà đầu tư duy nhất là cổ đông lớn Daytona Investments Pte. Ltd. Với giá 254.044 đồng/cổ phiếu, Daytona Investments Pte. Ltd sẽ chi 611 tỷ đồng, qua đó tăng tỷ lệ sở hữu lên 12,6%.
Ngoài ra, trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã IDC với 451 tỷ đồng. CEO và TNG đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 250 tỷ đồng và 211 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, ngoài EIB là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất ở nửa đầu năm 2023 trên sàn HoSE (3.938 tỷ đồng), đứng thứ 2 trong top cổ phiếu bán ròng của khối ngoại là VNM với giá trị 2.664 tỷ đồng. Giá cổ phiếu Vinamilk cũng chỉ vừa nhích lên từ giữa tháng 6 về mức 70.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, xu hướng giảm áp đảo ở cổ phiếu này trong hầy hết thời gian nửa đầu năm. Từ vùng giá 80.000 đồngđầu năm, VNM có thời điểm tiến sát mốc 65.000 đồng.
Cổ phiếu Viettel Post (VTP) bị bán ròng mạnh nhất với 255 tỷ đồng. Khối ngoại cũng giảm sở hữu cổ phiếu Đường Quảng Ngãi. Giá trị bán ròng cổ QNS đạt 240 tỷ đồng.
Giao dịch của khối ngoại trên sàn HNX không quá nổi bật, BVS bị bán ròng mạnh nhất sàn này với 32 tỷ đồng. Tiếp sau đó, NVB cũng bị bán ròng hơn 30 tỷ đồng.