Thế chấp cổ phiếu DIG cho 3 lô trái phiếu với mệnh giá 3.500 tỷ đồng
Cụ thể, tính tới 30/9/2022, DIC Corp đang có tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 5.301,99 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng nguồn vốn và bằng 70,5% vốn chủ sở hữu. Trong đó, Công ty thuyết minh có tổng dư nợ 3.417,34 tỷ đồng trái phiếu.
Công ty thuyết minh trái phiếu DIGH2124001 phát hành ngày 16/09/2021 với tổng mệnh giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 16/9/2024; trái phiếu DIGH2124002 phát hành ngày 30/9/2021 với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 30/9/2024; và lô trái phiếu DIGH2124003 phát hành ngày 26/11/2021 với tổng mệnh giá 1.500 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 26/11/2024.
Trong đó, lãi suất được áp dụng 3 tháng đầu là 11%/năm cho 3 lô trái phiếu, các kỳ sau được tính là 4,25% cộng với lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân 12 tháng tại Ngân hàng HDBank.
Điểm đáng lưu ý, tài sản đảm bảo của 3 lô trái phiếu trên là toàn bộ tài sản, quyền tài sản và các quyền, lợi ích hiện hữu và phát sinh trong tương lai từ việc đầu tư, phát triển, khai thác tiêu thụ sản phẩm dự án “Khu Đô thị du lịch Long Tân” với diện tích 331,9 ha tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai; và cổ phiếu DIG và toàn bộ lợi tức, cổ tức phát hành từ số cổ phiếu thế chấp tại Ngân hàng mà Công ty sở hữu.
Mặc dù vậy, DIC Corp không công bố lượng cổ phiếu DIG đang thế chấp làm tài sản đảm bảo là bao nhiêu. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý, cổ phiếu DIG từ đầu năm tới nay liên tục bị bán tháo. Cụ thể, 3 lô trái phiếu được phát hành ngày 16/9/2021, ngày 30/9/2021 và ngày 26/11/2021 khi đó cổ phiếu DIG lần lượt giao dịch 27.130 đồng/cổ phiếu, 25.410 đồng/cổ phiếu, và 57.300 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, tính tới ngày 8/11/2022, cổ phiếu DIG đang giao dịch vùng 14.400 đồng/cổ phiếu, đã trải qua 3 phiên dư bán sàn liên tục và đồng thời giảm 85,3% từ 98.200 đồng/cổ phiếu (ngày 11/1/2022).
Thêm nữa, so với giá thời điểm phát hành trái phiếu, cổ phiếu DIG lần lượt giảm 46,9%, 43,3% và 74,9% so với thời điểm phát hành 3 lô trái phiếu DIGH2124001, DIGH2124002 và DIGH2124003.
Như vậy, giá trị tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu DIG đã giảm mạnh so với thời điểm phát hành tổng cộng 3.500 tỷ đồng trái phiếu (tính bằng mệnh giá).
Dự án Long Tân đội vốn và kéo dài thời gian triển khai
Thêm nữa, về tài sản đảm bảo của khoản trái phiếu là 3.500 tỷ đồng là dự án “Khu Đô thị du lịch Long Tân”. Được biết, tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 12/10, Công ty đã thông qua tăng 2.845,94 tỷ đồng chi phí đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng 780,1 tỷ đồng; tăng 1.294,2 tỷ đồng tiền sử dụng đất; tăng 473,9 tỷ đồng chi phí thực hiện kè chống sạt bờ sông; và tăng 297,67 tỷ đồng chi phí đầu tư do điều chỉnh theo suất đầu tư mới.
Ngoài ra, dự án cũng được phân kỳ triển khai với 5 phân khu bao gồm phân khu 1 với diện tích 82,1 ha, phân khu 2 với diện tích 65,7 ha, phân khu 3 với diện tích 49,07 ha, phân khu 4 với diện tích 69,1 ha, và phân khu 5 với diện tích 65,9 ha. Dự án sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn dự án vào quý IV/2028 (tăng thêm 3 năm để hoàn tất xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tờ trình Đại hội bất thường ngày 14/9/2022).
Như vậy, sau điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự án sau thuế là 15.711,64 tỷ đồng. Trong đó, Công ty dự kiến sử dụng 5.477,97 tỷ đồng vốn huy động ngân hàng và phát hành trái phiếu; và 9.540,67 tỷ đồng vốn tự có của doanh nghiệp và huy động hợp pháp khác.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Công ty nâng vốn để tăng tổng vốn đầu tư vào dự án đang triển khai. Trong năm 2021, DIC Corp đã tăng thêm 6.942,9 tỷ đồng để nâng tổng vốn đầu tư lên 10.971,9 tỷ đồng đối với dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu; tăng thêm 7.866,1 tỷ đồng lên 12.618 tỷ đồng tổng vốn đầu tư dự án KĐT Du lịch Long Tân.
Ngoài ra, theo tìm hiểu dự án Khu đô thị du lịch Long Tân nằm tại xã Long Tân và xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với quy mô 331,998 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu chỉ là 12.618 tỷ đồng. Tính tới thời điểm công bố tài liệu ĐHĐCĐ bất thường lần 2, Công ty đã đền bù giải phóng được 156,15ha/331ha với tổng kinh phí 1.324,5 tỷ đồng và dự kiến đầu năm 2023 (tài liệu Đại hội bất thường ngày 14/9 là cuối năm 2022, như vậy tiếp tục kéo dài thời gian triển khai) sẽ được giao đất đợt 1 với diện tích 82,11ha, đủ điều kiện khởi công đầu tư xây dựng.
Như vậy, giá cổ phiếu làm tài sản đảm bảo lao dốc, dự án làm tài sản đảm bảo khoản trái phiếu thì chậm triển khai, đội vốn, điều này đặt ra câu hỏi liệu DIC Corp có phải bổ sung tài sản đảm bảo khi mà cổ phiếu vẫn lao dốc, thị trường bất động sản có dấu hiệu bước vào giai đoạn khó khăn kéo dài.
Gia đình ông Nguyễn thiện Tuấn liên tục bị bán giải chấp số lượng lớn
Cụ thể, từ ngày 4/11, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết sẽ bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp.
Ngày 7/11, Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự kiến sẽ bán giải chấp 2.131.548 cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn; dự kiến giải chấp 1.474.031 cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời là con trai ông Nguyễn Thiện Tuấn; và bán giải chấp 1.445.195 cổ phiếu DIG của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền.
Như vậy, ước tính Chứng khoán Yuanta Việt Nam sẽ bắt đầu bán khoảng 5.050.774 cổ phiếu DIG của ông Tuấn và hai người con.
Thêm nữa, từ ngày 27/10 đến 28/10, ông Nguyễn Thiện Tuấn và con trai là Nguyễn Hùng Cường đã bị bán giải chấp 4.44.950 cổ phiếu DIG.
Điểm đáng lưu ý, tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 12/10/2022, ông Nguyễn Thiện Tuấn đã tỏ ra bất ngờ khi giá cổ phiếu DIG liên tục giảm trong thời gian qua. Ông Tuấn cho biết, con gái ông (Nguyễn Thị Thanh Huyền) đã đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu và khẳng định nếu giá cổ phiếu DIG sau ngày 30/10 vẫn dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, bản thân ông sẽ đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, tính tới ngày 8/11, vẫn chưa có động thái đăng ký mua như lời hứa của ông Nguyễn Thiện Tuấn ngày 12/10/2022 với cổ đông. Trong khi đó, người con gái bị bán giải chấp hơn 1,4 triệu cổ phiếu và chỉ mua được một lượng so với đăng ký.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền chỉ mua được 4.571.000 cổ phiếu trong tổng đăng ký 20 triệu cổ phiếu, tỷ lệ mua so với đăng ký là 22,9%, thời gian giao dịch từ ngày 7/10 đến 4/11. Như vậy, sau giao dịch bà Huyền nâng sở hữu từ 3,61% lên 4,36% vốn điều lệ.
Lý do được đưa ra là không thu xếp kịp tài chính.
Thực tế, từ đầu năm tới nay, ông Nguyễn Hùng Cường, anh trai bà Nguyễn Thị Thanh Huyền liên tục đăng ký mua nhưng chỉ mua với tỷ lệ rất nhỏ hoặc không mua vào cổ phiếu với lý do "giá thị trường không phù hợp" hoặc "không thu xếp kịp tài chính".