Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (mã chứng khoán: MSB) mở hàng phiên giao dịch đầu năm Giáp Thìn trong trạng thái hưng phấn. Thị giá nhanh chóng tăng hết biên độ lên 15.050 đồng khi mới mở cửa, sau đó thu hẹp dần đà tăng về sát tham chiếu trước giờ nghỉ trưa. Trong phiên chiều, lực cầu mạnh mẽ giúp MSB trở lại giá trần và giữ nguyên cho đến hết phiên.
MSB đóng cửa trong tình trạng không có bên bán, trong khi dư mua hơn 430.000 cổ phiếu. Hôm nay, cổ phiếu này đứng thứ ba trên sàn TP HCM về khối lượng khớp lệnh. Cổ phiếu này ghi nhận khối lượng giao dịch cả phiên đạt 35,34 triệu cổ phiếu, gấp 5 lần phiên trước đó, đồng thời phá kỷ lục được thiết lập hơn 3 năm trước. Mức khớp lệnh cao nhất từng được ghi nhận đối với cổ phiếu MSB là 30,43 triệu đơn vị trong phiên giao dịch dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán TP HCM vào ngày 23/12/2020.
Giá trị giao dịch cổ phiếu MSB hôm nay đạt hơn 524 tỷ đồng. MSB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất tăng trần trong phiên hôm nay. Với đà tăng liên tục 4 phiên, vốn hoá thị trường của ngân hàng hiện đạt hơn 30.100 tỷ đồng.
Chuỗi tăng của MSB bắt đầu không lâu sau khi ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh 2023 với một số tín hiệu khả quan về lợi nhuận và chất lượng tài sản. Cụ thể, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 267.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Tăng trưởng tín dụng đạt 22,43% thuộc nhóm cao nhất ngành, với danh mục tín dụng được phân bổ đa dạng, tập trung những ngành cốt lõi của nên kinh tế, qua đó giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả sử dụng vốn. Tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của MSB năm 2023 đạt xấp xỉ 12.300 nghìn tỷ đồng trong năm qua, tăng 15% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 5.830 tỷ đồng.
Đồ thị giá và thanh khoản cổ phiếu MSB. |
Bên cạnh MSB, một số cổ phiếu khác của nhóm ngân hàng cũng có trạng thái hứng khởi trong phiên giao dịch đầu năm Giáp Thiền. Điển hình như OCB tăng 5,3%, lên 15.900 đồng, KLB tăng 3,3% lên 12.400 đồng, TCB tăng 2,9% lên 38.400 đồng, MBB tăng 2,8% lên 24.150 đồng. Tuy nhiên, các mã trụ của nhóm này lại diễn biến ngược chiều với xu hướng chung. Cụ thể, cổ phiếu VCB của Vietcombank – doanh nghiệp niêm yết có vốn hoá lớn nhất thị trường hiện nay – giảm nhẹ 0,1% so với tham chiếu, xuống 89.900 đồng. Cổ phiếu CTG của VietinBank đảo chiều giảm mạnh sau chuỗi tăng nóng trước Tết, mất 1,4% so với tham chiếu và chốt phiên tại 35.000 đồng. Cổ phiếu ACB ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng khi mất 2,9%, xuống 27.200 đồng.
Trước phiên giao dịch hôm nay, phần đông nhóm phân tích của các công ty chứng khoán cho rằng cổ phiếu ngân hàng sẽ hút mạnh dòng tiền, qua đó tiếp tục đóng vai trò trụ cột để hỗ trợ đà tăng cho thị trường. Nhóm cổ phiếu này vừa trải qua sóng tăng khoảng 10% trong tháng đầu năm 2024 nhưng con số này vẫn còn tương đối khiêm tốn so với giai đoạn 2020-2022.
Theo đánh giá của ông Michael Kokalari - Giám đốc Phân tích Kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, cổ phiếu ngành này sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng lợi nhuận, từ khoảng 7% năm 2023 lên 18% trong năm 2024 và định giá cổ phiếu ngành tại Việt Nam hiện thấp hơn so với mức trung bình 5 năm. VinaCapital kỳ vọng, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng tín dụng trong 2024 và không chỉ cho vay với chủ đầu tư bất động sản, mà cả người mua nhà mới, phù hợp với kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường bất động sản năm nay.