Trào lưu ngân hàng lên sàn
Ngày 9/1/2017, sàn chứng khoán đã đón một tân binh ngành ngân hàng, khi hơn 564 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã lên UPCoM với mã VIB. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 17.000 đồng/cổ phiếu.
VIB tuy là một ngân hàng không lớn trong số các ngân hàng thương mại, nhưng cũng có thể coi là hàng khủng của sàn chứng khoán. Ngân hàng này có vốn chủ sở hữu hơn 8.500 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 5.644 tỷ đồng với hệ thống 151 chi nhánh, phòng giao dịch trên 27 tỉnh/thành trọng điểm trong cả nước.
Ngay trong phiên chào sàn, cổ phiếu VIB cũng đã thu hút được sức cầu khá tốt, có thời điểm chạm mốc giá trần 23.800 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu VIB mở cửa ngày giao dịch 12/1 với mức giá tham chiếu 18.400 đồng/cổ phiếu |
Việc VIB gia nhập sàn chứng khoán có thể coi như phát pháo mở màn cho trào lưu đổ bộ lên sàn của các ngân hàng, được dự báo là sẽ sôi động trong năm 2017. Ngoài VIB, hiện một số ngân hàng khác cũng đã có kế hoạch cho việc đưa cổ phiếu lên sàn, như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlong Bank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank)…
Lợi nhuận khủng của các “đại gia” ngân hàng
Động thái rục rịch lên sàn của các tân binh ngân hàng cộng thêm tín hiệu khá lạc quan về kết quả kinh doanh năm 2016 của các “đại gia” ngân hàng đang niêm yết được dự báo sẽ tạo sự cộng hưởng, thu hút sự quan tâm hơn của công chúng đầu tư đối với nhóm cổ phiếu này.
Cũng trong ngày đầu tuần này, “đại gia” có quy mô lớn nhất trong số các ngân hàng niêm yết là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, mã CTG, sàn HOSE) đã công bố mức lợi nhuận khủng, lên tới 8.250 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch. Tính đến ngày 31/12/2016, tổng tài sản hợp nhất của VietinBank ước đạt 947.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2015 và đạt 107% kế hoạch. Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 862.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2015 và đạt 106% kế hoạch, trong đó, nguồn vốn VietinBank huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế từ thị trường 1 tăng hơn 30% so với đầu năm.
Mặc dù được biết đến là ngân hàng trụ cột trong mảng khách hàng doanh nghiệp mới, nhưng những động thái kinh doanh của VietinBank cho thấy một thế lực mới đang hình thành khá rõ nét trong phân khúc thị trường bán lẻ. Năm 2016, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt 720.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015. Riêng dư nợ bán lẻ của VietinBank đạt tốc độ tăng trưởng rất mạnh, tới 35% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 27% tổng dư nợ.
Ngoài ra, theo Tổng giám đốc VietinBank, ông Lê Đức Thọ, VietinBank hiện còn là ngân hàng dẫn đầu về cung cấp tín dụng cho khối khách hàng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngân hàng này vẫn đang xúc tiến mạnh hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi đó, các “đại gia” ngân hàng khác đang niêm yết cũng không chịu thua kém. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB, sàn HOSE) đạt lợi nhuận tới 8.212 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID, sàn HOSE) đạt lợi nhuận 7.507 tỷ đồng.
Đến thời điểm cuối năm 2016, BIDV đã mang một tầm vóc lớn hơn so với trước đó 1 năm, với các chỉ tiêu đều tăng trưởng khá cao. Cụ thể, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 17,5%, chiếm gần 14% tổng tài sản toàn ngành ngân hàng. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư của BIDV đạt 935.600 tỷ đồng, tăng 17,85% so với năm 2015, tổng nguồn vốn huy động đạt 938.780 tỷ đồng, tăng 20,45%.
Trong khi đó, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa tiết lộ, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành một bộ luật mới nhằm luật hóa các nội dung về tái cơ cấu và ổn định hệ thống. Một trong những nội dung quan trọng sẽ đưa vào luật là những quy định chặt chẽ hơn về sở hữu cổ phần, cổ phiếu ngân hàng, nhằm chống việc lợi dụng mua bán cổ phần để thao túng các hoạt động ngân hàng. Động thái này được giới đầu tư nhìn nhận là sẽ tác động trực tiếp tới các cổ phiếu ngân hàng.