Vietcombank hiện đang nắm giữ cổ phần tại 5 tổ chức tín dụng |
Thêm vào đó, thời hạn thoái vốn khỏi ngân hàng của DNNN đã cận kề khi năm 2015 sắp kết thúc, tạo áp lực lớn lên cổ phiếu ngân hàng, vốn một thời được xem là cổ phiếu “vua”, nhưng hiện ít được quan tâm.
Trái với diễn biến tăng nhẹ của cổ phiếu ngành chứng khoán trong phiên giao dịch sáng 5/11, ở nhóm ngân hàng, hều hết các mã đều đang giao dịch trong sắc đỏ như VCB, BID, STB, EIB, ngoại trừ MBB nhích nhẹ. Mặc dù kết quả hoạt động quý III/2015 cũng như lũy kế 9 tháng đầu năm vừa được các nhà băng đưa ra cho thấy, tín dụng tác động tích cực lên lợi nhuận và khả năng vượt chỉ tiêu kinh doanh là có cơ sở, song nhóm cổ phiếu ngân hàng đang đứng trước áp lực thoái vốn theo lộ trình của Thông tư 36, cũng như việc thoái vốn khỏi ngân hàng của các DNNN.
Lộ trình thoái vốn trên được cho là đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các ngân hàng và tâm lý của nhà đầu tư. Vietcombank đang đứng trước áp lực phải thoái vốn bởi Thông tư 36. Vì vậy, dù có kết quả kinh doanh khả quan khi đạt 4.528 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm nay, hoàn thành 75% chỉ tiêu kinh doanh của năm, cổ phiếu của Vietcombank vẫn khó tăng.
Hiện tại, Vietcombank sở hữu cổ phần tại 5 tổ chức tín dụng với lượng nắm giữ không nhỏ như 9,6% tại MBB, 8,2% tại Eximbank, Saigonbank và cả OCB. Đến nay, Vietcombank vẫn chưa công bố kế hoạch xử lý cụ thể các khoản đầu tư này nhưng đã khẳng định không sáp nhập thêm ngân hàng yếu và nắm giữ vốn tại Eximbank.
Sau khi sáp nhập thêm MekongBank, Maritime Bank đã xóa được tình trạng sở hữu chéo giữa hai ngân hàng (trước khi sáp nhập, Maritime Bank nắm hơn 10% cổ phần MekongBank), tuy nhiên nhà băng này vẫn nắm giữ hơn 10% cổ phần tại MBB.
Eximbank (EIB) cũng đang nắm giữ cổ phần tại 4 nhà băng khác, trong đó có 8,763% cổ phần tại Sacombank (sau sáp nhập thêm SouthernBank) và Eximbank đã tính đến chuyện thoái vốn khỏi Sacombank khi điều kiện thuận lợi. Thế nhưng, ngoài việc phải thoái vốn theo lộ trình Thông tư 36, cổ phiếu Eximbank còn chịu thêm áp lực thoái vốn từ các DNNN khi năm 2015 sắp kết thúc.
Theo đó, Sabeco vừa chào bán thỏa thuận toàn bộ 5,73 triệu cổ phần Eximbank. Trước đó không lâu, vào cuối tháng 3/2015, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC cũng thông báo chào bán cạnh tranh lần thứ 2 toàn bộ 25,62 triệu cổ phần, tương đương 2% vốn điều lệ Eximbank đang nắm giữ. Thế nhưng, cũng phải sau 3 lần rao bán công khai, SJC mới chuyển nhượng được phần vốn tại Eximbank.
Được biết, hiện Eximbank có 2 cổ đông lớn là tổ chức Nhật bản Sumitomo Mitsui Banking Corporation (15%) và VCB (8,19%). Trong 3 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu EIB đang được giao dịch trong khoảng từ 11.400-12.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu nhà băng lớn, lợi nhuận đạt được ở mức khá vẫn khó thu hút nhà đầu tư quan tâm trước bối cảnh hiện nay thì việc chào bán cổ phiếu ngân hàng vừa và nhỏ của các DNNN không dễ gì thực hiện. Đó là lý do vì sao Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) chào bán cổ phiếu OCB, SCB với giá chưa đến 5.000 đồng/cổ phiếu nhưng không tìm được người mua.
Thực tế, thời gian qua, một số nhà băng nhỏ cũng thất bại trong việc phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ khi giá bán chỉ bằng mệnh giá nên đã không hoàn thành mục tiêu.
Theo giới phân tích chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng khó bứt phá lên cao xuất phát từ phản ứng của giới đầu tư trước áp lực thoái vốn của các DNNN từ nay tới hết năm 2015. Đồng thời, lĩnh vực ngân hàng không còn hấp dẫn trong bối cảnh hiện tại, do nợ xấu, kinh doanh kém lạc quan...
Theo đánh giá của ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital Bank, cổ phiếu ngân hàng trước bối cảnh hiện nay khó có thể bật mạnh. Tuy nhiên, cổ phiếu của những nhà băng lớn, kết quả kinh doanh khả thi và tiềm năng tăng trưởng tốt như Vietcombank, BIDV, MB, Vietinbank… vẫn luôn được giới đầu tư nước ngoài quan tâm. Quan trọng là “room” lĩnh vực tài chính - ngân hàng có được nới rộng hay không. Mặt khác, cần đẩy mạnh việc xóa tình trạng sở hữu chéo, minh bạch trong hoạt động và từng bước đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu.
Trong khi, theo một lãnh đạo cấp cao ngành ngân hàng, sở hữu chéo, đầu tư chéo tại lĩnh vực ngân hàng đã được xử lý từng bước thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là thông qua công tác thanh tra, giám sát; hợp nhất, sáp nhập ngân hàng và ban hành các quy định pháp lý mới.
Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã tiến một bước quan trọng, với số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp trong năm 2012, xuống chỉ còn 3 cặp hiện nay.