Ngân hàng
Cổ phiếu ngân hàng rực lửa, nằm sàn la liệt
T.V - 19/07/2021 16:39
Cổ phiếu ngân hàng giảm tiếp trong tuần thứ 2 khiến nhiều mã mất gần 20-30% chỉ trong nửa đầu tháng 7/2021. Lực bán cổ phiếu "vua" tăng khiến giá sụt giảm mạnh.

Tất cả cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm sàn trong phiên sáng nay (19/7) và nhiều mã giảm tiếp trong phiên chiều. Trong đó, giá nhiều cổ phiếu giảm tới 20-30% sau 2 tuần gần đây.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/7, hàng loạt mã giảm kịch sàn -7% như: VPB, TCB, CTG, TPB, MSB, LPB, VIB xuống lần lượt còn 60.000 đồng/cổ phiếu (VPB), 48.000 đồng/cổ phiếu (TCB), 31.550 đồng/cổ phiếu, 26.850 đồng/cổ phiếu, 25.550 đồng/cổ phiếu và 41.750 đồng/cổ phiếu.

Giá cổ phiếu nhiều ngân hàng giảm sàn trong phiên hôm nay do áp lực bán gia tăng, trong đó nhiều mã không có người mua như: TPB, VPB. Đồng thời, CTG, TCB cũng ít người mua.

Ngoài ra, nhiều mã cổ phiếu “vua” khác cũng giảm mạnh trong các phiên gần đây như: OCB xuống 26.450 đồng/cổ phiếu từ mức đỉnh trên 31.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng 7/2021. EIB về 25.950 đồng/cổ phiếu; STB còn 27.500 đồng/cổ phiếu...

Không chỉ cổ phiếu ở sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) giảm giá, mà các cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) và UPCoM cũng đồng loạt giảm giá mạnh trong phiên giao dịch ngày 19/7.

Cụ thể, SHB giảm gần 9% xuống 25.600 đồng/cổ phiếu; KLB còn 22.800 đồng/cổ phiếu; BAB giảm 7,3% xuống 21.600 đồng/cổ phiếu; ABB giảm gần 11%, xuống 21.100 đồng/cổ phiếu.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 2,74 điểm (-3,21%) xuống 82,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 61,74 triệu đơn vị, giá trị 997,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 20,2 triệu đơn vị, giá trị gần 319 tỷ đồng.

Trong đó, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đăng ký trên UPCOM cũng giảm mạnh với các mã ABB, BVB giảm trên 11%; NAB, PGB, SGB giảm trên 8-10%.

Mã BVB giảm 10,5% về 19.100 đồng/cổ phiếu, NAB giảm gần 10%, xuống 19.500 đồng/cổ phiếu, VBB cũng xuống 16.700 đồng/cổ phiếu, SGB đứng ở mức 17.500 đồng/cổ phiếu và PGB 19.800 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, nếu tính trong 2 tuần gần đây, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm tới 20-30%.

Trong khi đó, hầu hết ngân hàng công bố lợi nhuận nửa đầu năm ở mức tăng trưởng cao.

Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong 6 tháng đầu năm và thậm chí có 1 nhà băng đã vượt kế hoạch cả năm 2021 là Saigonbank.

Saigonbank công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế đạt 136 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, vượt chỉ tiêu đưa ra cho cả năm 2021 ở mức 130 tỷ đồng trước thuế.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đang có tiến độ nhanh hơn so với kế hoạch.

MSB với ước tính lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ và hoàn thành 85% mục tiêu cả năm nay là 3.280 tỷ đồng trước thuế.

SeABank báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 1.557 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2020, gần bằng mức lợi nhuận cả năm 2020 và hoàn thành 65% kế hoạch năm 2021 ngân hàng đưa ra ở mức 2.400 tỷ đồng trước thuế.

VIB công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 3.952 tỷ đồng, tăng trưởng 68%, ROE đạt 32,8%, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về mức 1,3%.

VietBank, lợi nhuận quý 2 tăng vọt 3,5 lần so với cùng kỳ, đạt 202 tỷ đồng; lợi nhuận 6 tháng đầu năm theo đó đạt 326 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2020.

PGBank cho biết, 2 quý đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 175 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 56% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, ở nhiều nhà băng lớn cũng đạt mức lợi nhuận khả quan như: MB lãi hợp nhất gần 8.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 56% so với cùng kỳ và hoàn thành được hơn 60% mục tiêu cả năm nay 13.200 tỷ đồng trước thuế.

Vietcombank ước lãi trước thuế hơn 14.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận 25.580 tỷ đồng, như vậy đã hoàn thành được hơn 56% sau 6 tháng.

Tương tự, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay là 16.800 tỷ đồng. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm, ngân hàng ước lãi trước thuế khoảng 13.000 tỷ, tức hoàn thành 3/4 chặng đường cả năm.

6 tháng đầu năm nay, ACB đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 6.400 tỷ đồng, tăng 66% so với thực hiện trong nửa đầu 2020.

Kienlongbank nhờ bán xong cổ phiếu STB (tài sản đảm bảo của một số khoản nợ xấu) hồi đầu năm nên ghi nhận lợi nhuận quý 1 đạt tới hơn 700 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ và hoàn thành hơn 70% kế hoạch năm....

Giới phân tích tài chính cho rằng, chỉ số giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng 34,4% tính từ đầu năm 2021 và tăng “nóng” suốt một tháng trở lại đây. Thậm chí, có mã tăng gấp đôi trong vòng một tháng kỳ vọng từ việc phát hành tăng vốn và lợi nhuận tăng trưởng năm 2021. 

Tuy nhiên, triển vọng tích cực trên gần như đã phản ánh gần hết vào giá. Còn thời điểm hiện tại chính là những lo ngại của nhà đầu tư về rủi ro pha loãng các chỉ số định giá sau khi ngân hàng phát hành tăng vốn thành công.

Đồng thời, làn sóng Covid-19 thứ 4 đang tác động lên sức khỏe của doanh nghiệp cũng là nỗi lo cho ngành ngân hàng khi nợ xấu có xu hướng gia tăng, đòi hỏi dự phòng lớn. Điều này sẻ ảnh hưởng đến lợi nhuận trong nửa cuối năm 2021. 

Tin liên quan