VN-Index lên cao nhất ba tháng
Tiếp tục xu hướng từ tuần tăng liên tục liền trước, ba chỉ số chứng khoán đồng loạt tăng điểm mạnh ngay phiên đầu tuần, đặc biệt là nhóm VN30. Cả VN-Index và VN30-Index đều đóng cửa tại mức điểm cao nhất trong phiên. VN-Index kết phiên tăng 21,36 điểm (+1,56%) lên 1.394 điểm. VN-30 Index vượt 1.510 điểm sau khi tăng tới 2,28% và là động lực chính kéo chỉ số chung tăng điểm. Chỉ số sàn HoSE đạt mức cao nhất trong ba tháng trở lại đây.
Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index đều xác lập mức giá đóng cửa cao nhất trong lịch sử. HNX-Index tăng 0,65% lên 374,34 điểm. UPCoM-Index tăng 0,51%lên 98,8 điểm.
Sắc xanh nhỉnh hơn với 430 mã tăng giá và 40 mã tăng kịch biên độ trên toàn sàn, trong khi chỉ có gần 420 mã giảm giá.
VN-Index bứt phá trở xác lập mức cao nhất trong ba tháng |
Cổ phiếu vua là một trong các yếu tố chính kéo thị trường bật tăng. Top 10 cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index phiên 11/10 có tới 6 cổ phiếu nhà băng gồm TCB (tăng 4,54% so với cuối tuần trước), CTG (+5,26%), MBB (+3,97%), BID (+2,04%), ACB (+3,66%) và tân binh SHB (+4,84%). Trừ cổ phiếu SSB của SeABank đi ngang, các cổ phiếu nhóm này đều đóng cửa trong sắc xanh, phần lớn tăng trên 3%.
Không riêng nhóm ngân hàng, dòng chứng khoán, tôn - thép đều giao dịch khá tích cực. Nhóm bảo hiểm và bất động sản phân hóa hơn nhưng sắc xanh vẫn áp đảo. Cổ phiếu của ông lớn Vingroup tăng 2,91% và góp số điểm tăng nhiều nhất (2,63 điểm) vào mức tăng chung của chỉ số. Một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng kịch biên độ như VRC, DRH, DXS hay FLC…Tuy vậy, ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVL, LGC hay nhóm bất động sản khu công nghiệp như Becamex (BCM), Kinh Bắc (KBC)… lại nằm trong top đầu các cổ phiếu kéo thị trường giảm.
Nhóm dầu khí cũng ghi nhận sự phân hóa lớn dù giá dầu thế giới đang liên tục tăng. Dầu Brent biển Bắc vươn lên mức cao nhất từ tháng 10/2008. Còn giá xăng sau khi điều chỉnh chiều 11/10 cũng vọt lên mức cao nhất trong 7 năm qua. Trừ cổ phiếu GAS tăng nhẹ 0,09%, giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp phân phối khí tiếp tục quay đầu điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng trước đây. Cổ phiếu của đơn vị chế biến – CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tăng 3,8%). Cổ phiếu hai đơn vị phân phối xăng dầu niêm yết trên trên sàn là PLX và OIL lần lượt tăng 1,9% và 0,7%.
Cổ phiếu Masan Meatlife - tâm điểm giao dịch của khối ngoại
Trong phiên bứt phá hôm nay, dòng tiền đã chảy mạnh qua thị trường. Thanh khoản trên ba sàn đạt 29.283 tỷ đồng, vượt 33% so với phiên tăng trong nghi ngờ hôm thứ Sáu. Trong đó, giao dịch riêng sàn HoSE đạt 22.791 tỷ đồng, sát mốc tỷ đô. Khác với thông thường, giá trị chuyển nhượng ở nhóm VN30 lại khá khiêm tốn với thanh khoản hơn 10.160 tỷ đồng, chưa đạt phân nửa tổng giá trị giao dịch của sàn HoSE.
Cổ phiếu ghi nhận mức thanh khoản lớn nhất là SHB - tân binh mới chuyển niêm yết từ sàn HNX với 50,6 triệu cổ phiếu được sang tay tương đương giá trị khớp lệnh 1.509 tỷ đồng. Ngoài ra, hai cổ phiếu khác cũng đạt thanh khoản trên nghìn tỷ đều là cổ phiếu nóm VN30 gồm HPG (1.450 tỷ đồng) và TCB (1.208 tỷ đồng).
Cùng đó, một cổ phiếu khác cũng ghi nhận giao dịch đột biến nhưng thông qua phương thức thỏa thuận là MML. Hơn 23,17 triệu cổ phiếu của Masan Meatlife đã bị các nhà đầu tư nước ngoài bán ra để thu về 2.547 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu trên cũng xấp xỉ bằng số lượng cổ phiếu mà VN Consumer Meat II PTE. LTD đăng ký bán từ 11/10 đến 9/11. Nhiều khả năng quỹ đầu tư toàn cầu KKR đã nhanh chóng hoàn tất đợt thoái vốn trên ngay trong phiên đầu đăng ký bán.
Giá trị bán ròng trên ba sàn đạt gần 2.136 tỷ đồng. Nếu loại trừ giá trị bán ròng liên quan đến giao dịch thỏa thuận cổ phiếu MML, khối ngoại đã cỏ một phiên mua ròng, tập trung chính ở cổ phiếu FMC (214 tỷ đồng), VRE (113 tỷ đồng) hay VHM (81 tỷ đồng)…Đến nay, chuỗi bán ròng của khối ngoại đã kéo dài 4 phiên liên tục.