Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐQT đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VGC trên HNX (Ảnh: K.T) |
Đây là cổ phiếu thứ 167 giao dịch trên HNX trong năm 2016. Năm 2016 cũng là năm tăng trưởng kỷ lục về số lượng và giá trị doanh nghiệp tham gia thị trường, với quy mô vốn hóa tăng gấp đôi.
Tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 22/12, cổ phiếu VGC được đóng cửa ở mốc 16.000 đồng/cổ phần, tăng 2,5% so với giá tham chiếu. Trong phiên giao dịch sáng nay, đã có thời điểm VGC tăng lên 17.000 đồng/cổ phần.
Theo ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera - CTCP, sự kiện VGC chính thức niêm yết trên HNX đánh dấu mốc quan trọng trong việc tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, ngày 22/07/2014, Tổng công ty Viglacera chuyển từ mô hình doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Ngày 15/10/2015, Tổng công ty Viglacera đã đưa cổ phiếu VGC giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu 10.600 đồng.
Tính đến thời điểm hủy giao dịch trên UpCOM ngày 15/12/2016, VGC đang giao dịch ở mức giá 16.000, tăng 5.400 so với thời điểm bắt đầu giao dịch.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, chỉ trong 1 năm giao dịch trên UpCOM, giá trị vốn hóa của VGC đã tăng 75%. Tại thời điểm đăng ký giao dịch, giá trị vốn hóa của VGC đạt 2.809 tỷ đồng và đã tăng lên 4.915 tỷ đồng tính tới thời điểm chấm dứt giao dịch trên UpCOM.
“Chỉ trong 1 năm giao dịch trên UpCOM, khả năng huy động vốn của Vigalcera đã tăng lên và đã thành công trong việc phát hành cổ phiếu ESOP”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Thành Long trao giấy chứng nhận niêm yết cổ phiếu VGC cho ông Luyện Công Minh |
Hiện tại vốn điều lệ đăng ký của công ty là 3.070 tỷ đồng, trong đó Nhà nước chiếm trên 78%, cổ đông nước ngoài chiếm trên 9%, các tổ chức cá nhân trong nước chiếm trên 12%.
VGC hoạt động chủ yếu trên hai lĩnh vực chính là vật liệu xây dựng và kinh doanh bất động sản. Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, kính xây dựng chiếm 45% thị phần toàn quốc, sứ vệ sinh chiếm 7% thị phần, gạch granite chiếm 15% thị phần, ngói cao cấp chiếm 30% thị phần, gạch cotto chiếm 40% thị phần, xuất khẩu trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong lĩnh vực bất động sản, Viglacera đang sở hữu 10 khu công nghiệp với trên 3.500 ha đã đưa vào khai thác trên 1.000 ha, tạo ra việc làm cho trên 100.000 lao động, đóng góp trên 20% giá trị xuất khẩu cả nước.
Chủ tịch HĐQT VGC cho biết, trong năm 2016, VGC dự kiến hoàn thành vượt 40% chỉ tiêu đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, tăng trên 60% so với năm 2015.
Đánh giá cao những kết quả Viglacera đã đạt được trong thời gian quan, lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị VGC tiếp tục tập trung phát triển thế mạnh về VLXD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực có chất lượng cao, hiện đại như kính siêu trắng, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và phát triển vật liệu không nung. Đối với phát triển lĩnh vực bất động sản, cần tập trung phát triển xây dựng nhà cho người thu nhập thấp.
Theo ông Luyện Công Minh, năm 2017, VGC dự kiến tốc độ tăng trưởng tối thiểu là 10%, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao như nhà máy kính nổi siêu trắng 600 tấn/ngày, nhà máy sứ vệ sinh 750.000 sản phẩm/năm.