- Vietcombank đại hội cổ đông vào 8/4, trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn?
- Nhiều vụ việc thao túng thị trường chứng khoán, giao dịch nội gián đã chuyển cơ quan điều tra
- Hana trở thành cổ đông chiến lược Chứng khoán BIDV: Chốt 2.700 tỷ đồng cho 35% vốn
- Góc nhìn TTCK tuần 14-18/3: Không sớm lấy lại mốc 1.470, VN-Index có thể chỉnh về 1.425-1.450 điểm
Hồi phục, VN-Index tăng dù VCB ghìm chân
Từ giữa phiên chiều, các chỉ số chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là HNX-Index đã hồi phục mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,49 điểm (0,45%) lên 1.452,74 điểm. HNX-Index tăng 6,95 điểm (1,59%) lên 443,52 điểm. UPCoM-Index tăng 0,51 điểm (0,44%) lên 115,56 điểm.
Nguyên nhân một phần đến từ sự đảo chiều của hàng loạt cổ phiếu hàng hoá cơ bản. Nhiều cổ phiếu họ dầu khí chuyển xanh như PVS tăng 1,1%, GAS tăng 1,9%, PVD tăng 1%, riêng PVC tăng kịch biên độ lên 29.300 đồng/cổ phiếu... GAS nằm trong top 5 cổ phiếu kéo VN-Index tăng điểm phiên hôm nay.
Giá dầu cùng loạt hàng hoá giảm mạnh từ hôm qua đã kéo loạt cổ phiếu hàng hoá cơ bản chung xu hướng giảm. Các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine đang diễn ra và lo ngại nhu cầu giảm từ phía Trung Quốc khi các lệnh giãn cách xã hội được tái áp đặt do tình hình lây lan rộng của dịch Covid-19 tại đây đã “hạ nhiệt” giá dầu. Ở thời điểm hiện tại, dầu Brent biển Bắc đang ở mức thấp nhất 2 tuần nhưng vẫn giao dịch trên 100 USD/thùng.
Ngoài GAS, một số cổ phiếu khác cũng hồi phục đóng góp điểm tăng đáng kể cho sắc xanh của VN-Index hôm nay như GVR, MSN… MSN đã tăng 3,67% sau 4 phiên giảm sâu liền trước. Mức tăng này cũng giúp MSN dẫn dắt đà tăng của chỉ số sàn HoSE khi góp nhiều điểm tăng nhất (1,54 điểm).
Không chỉ các chỉ số đều đóng cửa trong sắc xanh, số lượng cổ phiếu tăng giá phiên này cũng áp đảo. Trên ba sàn, đã có 504 mã tăng, 44 mã tăng trần; trong khi chỉ có 373 mã giảm và 21 mã giảm sàn. Ở nhóm chứng khoán, đa phần các cổ phiếu đều đóng cửa trong sắc xanh với khá nhiều cổ phiếu tăng 2-3% như VDS, ORS, PSI...
Tuy nhiên, ở đa số nhóm ngành khác, xu hướng giao dịch lại khá phân hoá. Sắc xanh chiếm ưu thế ở dòng cổ phiếu nhà băng với khá nhiều cổ phiếu tăng khá trên 1% như VPB (+2,5%), BID (1,94%), TPB (+1,79%), NVB (+1,31%) hay EIB (+1,09%).
Tuy vậy, Vietcombank - anh cả vốn hoá ngành ngân hàng cũng là tổ chức niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất thị trường lại quay đầu giảm sâu 3,68%. Cách đây một tuần, VCB cũng từng giảm tới 3%. Giá cổ phiếu VCB đóng cửa ở mức 81.100 đồng/cổ phiếu, thấp nhất nhất kể từ giữa tháng 1 tới nay. Giá trị vốn hoá của nhà băng này hiện giảm còn 383.800 tỷ đồng. VCB cũng là cổ phiếu kéolùi VN-Index nhiều nhất.
Cũng có sự phân hoá trong nhóm, nhưng nhìn chung, cổ phiếu thuỷ sản giao dịch khá tích cực. Tăng trưởng mạnh nhất là cổ phiếu của VHC (+5,46%) và IDI (+4,52%).
Phiên 15/3 cũng đánh dấu sự mở cửa trở lại của du lịch quốc tế dù mới ở các bước khởi đầu. Một số cổ phiếu nhóm doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế như hàng không, dịch vụ lưu trú đã tăng khá thời gian qua. Tại phiên hôm nay, giao dịch nhóm cổ phiếu này khá phân hoá, một số tiếp tục tăng kịch trần phiên nay như cổ phiếu của Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT), Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia (RIC).
Khối ngoại ròng rã bán 8 phiên liên tiếp, “xả” mạnh HPG
Dù tăng điểm, thanh khoản trên sàn thu hẹp đáng kể lại cho thấy dòng tiền còn khá dè dặt. Giá trị giao dịch trên ba sàn chỉ đạt gần 26.300 tỷ đồng, giảm gần 22%. Trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 24.506 tỷ đồng, giảm 19% so với phiên hôm qua.
Dù cổ phiếu nhóm dầu khí đã hồi phục khá nhưng thanh khoản không cải thiện nhiều. Không cổ phiếu nào đạt giá trị giao dịch trên nghìn tỷ đồng phiên hôm nay. Dòng tiền tập trung khá nhiều ở cổ phiếu thép, đặc biệt là HPG (960 tỷ đồng), NKG (729 tỷ đồng), HSG (484 tỷ đồng).
STB vẫn đang hút dòng tiền ngoại với 124 tỷ đồng giải ngân ròng thêm riêng phiên này. Đây đã là phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp của riêng cổ phiếu này. Tuần trước, quỹ VEIL thuộc công ty quản lý quỹ Dragon Capital cho biết đã mua vào 1,25 triệu cp STB, nâng tỷ lệ sở hữu lên 5,05% vốn. Nhóm Dragon Capital nhờ đó đã trở lại vai trò cổ đông lớn của Sacombank sau gần 11 năm.
Tuy vậy, ở bức tranh tổng thể, các nhà đầu tư ngoại vẫn lựa chọn bán ròng cổ phiếu, tập trung xả mạnh ở các cổ phiếu vốn hoá lớn, nhiều nhất là HPG (116 tỷ đồng), VIC (95 tỷ đồng), VCB (95 tỷ đồng), VHM (91 tỷ đồng)… NVL, SSI, MSN, DXG đều bị bán ròng trên 50 tỷ đồng. Giá trị bán ròng của nhóm này đã giảm còn 426 tỷ đồng. Trái với động thái bán ròng của khối ngoại, các cá nhân đã mua ròng phiên thứ 8 liên tiếp.