Nhiều thay đổi về chính sách
Theo Bộ Y tế, khi chuyển bệnh Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì việc thẩm quyền công bố dịch sẽ thay đổi. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế; Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi có từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố dịch.
Sau khi Ban chỉ đạo quốc gia thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, sẽ phát sinh những vấn đề liên quan tới bảo hiểm y tế, chi phí điều trị, vắc-xin Covid-19. |
Như vậy, dịch Covid-19 khi chuyển sang nhóm B không còn thuộc đối tượng công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ.
Về điều kiện công bố hết dịch Covid-19, theo Bộ Y tế, cần có 2 điều kiện là không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày và đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sau khi Ban Chỉ đạo Quốc gia thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn thảo như việc điều trị, thanh toán bảo hiểm y tế, vắc-xin Covid.
Theo PGS. Phu, hiện nay Tổ chức Y tế thế giới WHO mới công bố hết quan ngại về dịch Covid-19, vẫn chưa tuyên bố kết thúc đại dịch, chuyển từ phòng chống khẩn cấp sang kiểm soát lâu dài, bền vững.
Vì vậy, Việt Nam cũng cần có những bàn thảo kỹ hơn về vấn đề này. Từ đó, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành sẽ có những quyết định cụ thể hơn.
Còn theo PGS.TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cả nhóm A và nhóm B đều là những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Điểm phân biệt ở chỗ nhóm A nhấn mạnh đặc biệt nguy hiểm, truyền nhiễm rất nhanh, phát tán rộng, tử vong cao, hoặc chưa rõ tác nhân.
Nhóm này gồm các bệnh bại liệt, dịch hạch, đậu mùa, Ebola, và gần đây là Covid-19. Đưa Covid-19 vào nhóm A vì đây là bệnh chúng ta chưa rõ về tác nhân tại thời điểm đó.
Còn nhóm B cũng là bệnh nguy hiểm, truyền nhiễm nhanh, có thể tử vong nhưng thấp hơn một chút so với nhóm A, như Adeno, HIV, cúm, bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết, hoặc viêm não.
Các bệnh trong nhóm B không may mắc phải vẫn có thể tử vong, thậm chí không kém nhóm A, tuy nhiên, chúng ta đã rõ những tác nhân của nó và đã có các biện pháp để phòng và điều trị chủ động.
Chẳng hạn, theo PGS.TS Phạm Quang Thái, bệnh bạch hầu có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu như không được điều trị và nếu có điều trị thì tỷ lệ tử vong là 2,5 đến 5%, như vậy cao hơn rất nhiều so với Covid-19. Nhưng do bệnh bạch hầu có vắc-xin dự phòng chủ động, nên chỉ ở nhóm B, chứ không ở nhóm A.
Thực tế chúng ta thấy rằng, tử vong do Covid-19 hiện tại nằm chủ yếu ở nhóm bệnh lý nền, miễn dịch kém, còn ở người khỏe mạnh, tỷ lệ này rất thấp.
Do đó, theo chuyên gia, công tác dự phòng chống dịch của chúng ta sẽ chuyển hướng sang dự phòng chủ động, bảo vệ nhóm nguy cơ, thay vì làm dàn trải. Tức là việc phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay nhấn mạnh vấn đề quản lý người có bệnh nền, tiêm chủng vắc-xin, giám sát sự biến đổi virus ở Việt Nam, cũng như theo dõi sát tình hình Covid-19 trên thế giới.
Người dân chủ động
Quyết định hạ cấp dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A xuống nhóm B của Bộ Y tế sẽ mang lại một số thay đổi đối với tình hình trong nước.
Cụ thể, khi hạ Covid-19 xuống là bệnh truyền nhiễm nhóm B, người bệnh không còn bắt buộc phải cách ly, điều trị và vẫn sẽ được tự do đi lại bình thường.
Trước đây, khi Covid-19 còn là bệnh truyền nhiễm cấp A gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng, có khả năng lây lan và tử vong cao, người dân phải thực hiện các quy định bảo vệ sức khỏe nghiêm ngặt do nhà nước đề ra như hạn chế đi lại, làm xét nghiệm. Người mắc phải nhập viện, cách ly điều trị ngay khi phát hiện.
Ngoài ra, khi hạ cấp bệnh Covid-19, nhà nước sẽ không chịu trách nhiệm chính trong việc chữa bệnh cho người dân như cung cấp địa điểm điều trị, thuốc men hay chi trả chi phí.
Do đó, mọi người sẽ cần thanh toán chi phí chăm sóc sức khỏe, y tế nếu mắc Covid-19; chi phí tiêm vắc-xin nếu có", chuyên gia này thông tin thêm.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, chiếu theo luật, bệnh truyền nhiễm nhóm B không được miễn phí điều trị, do vậy, các cơ quan chức năng cần có tính toán phù hợp về vấn đề này.
Bên cạnh đó, ông Phu cũng cho rằng Bộ Y tế nên có kế hoạch cụ thể về tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong thời gian tới. "Bộ Y tế nên quy định cụ thể đối tượng và lịch tiêm vắc-xin trong thời gian tới như đối tượng nào tiêm bắt buộc, ai nên tiêm theo khuyến cáo, ai được miễn phí, ai phải trả tiền...", ông Trần Đắc Phu nói.
Cũng theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng, chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát bền vững, lâu dài.
Do đó, Việt Nam cần có chính sách, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Điều này nhằm mục đích vừa theo dõi được sát tình hình dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp, không bất ngờ; vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống nhưng không tốn kém, đồng thời bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân.
Về phía người dân, theo chuyên gia, khi thay đổi cấp độ dịch đối với Covid-19, người dân sẽ phải chịu trách nhiệm chính cho sức khỏe của mình.
Cụ thể, trong giai đoạn hiện nay, việc đeo khẩu trang giờ đây không còn bị bắt buộc. Tuy nhiên, ông vẫn khuyến khích người dân vẫn nên thực hiện tốt 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) để bảo vệ sức khỏe.
Mọi người nên đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, có nguy cơ cao... và duy trì thói quen rửa tay, khử khuẩn để tránh các bệnh truyền nhiễm.
Đồng quan điểm, PGS. Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội khuyến cáo biện pháp phù hợp nhất trong thời điểm này vẫn là tuân thủ 2K. Đây mới là giải pháp quan trọng nhất để phòng bệnh.
Chuyên gia này nhấn mạnh, nhiều bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc, hô hấp cũng có thể gây nguy hiểm. Việt Nam nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới, nơi có nhiều bệnh truyền nhiễm. Vì thế, ý thức của người dân rất quan trọng trong việc ngăn chặn và phòng tránh các bệnh này.
Còn nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng vẫn tiếp tục khuyến cáo không được chủ quan, coi thường dịch Covid-19, vẫn phải thường xuyên dự phòng lây nhiễm bệnh này.
Trong lúc chờ đợi các quy định, các khuyến cáo của Bộ Y tế có thay đổi thì người dân vẫn cần đeo khẩu trang, khử khuẩn, chú ý bảo vệ bản thân tại các nơi tập trung đông người...
Các đối tượng nguy cơ cao như người già, trẻ em, người có bệnh nền... vẫn cần phải được ưu tiên bảo vệ để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh và trở nặng.