Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức |
Cố tình vi phạm thì đuổi học là xứng đáng
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho rằng: Quy định mà sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra được coi là cứng, còn việc thực hiện như thế nào các trường nên vận dụng linh hoạt. Với trường hợp buộc thôi học 1 tuần được áp dụng với những học sinh vi phạm nhiều lần, tùy vào thực tế của mỗi trường để xử lý.
Tuy nhiên theo thầy Bình thì số lượng các em buộc phải nghỉ học vì vi phạm giao thông nhiều lần sẽ không nhiều. Đặc biệt với học sinh trường Việt Đức, nơi thầy làm hiệu trưởng, thì số lượng các em tái phạm rất ít.
“Trong trường hợp các em dù đã được nhắc nhở, bị hạ hạnh kiểm rồi mà vẫn cố tình vi phạm luật an toàn giao thông thì việc cho các em nghỉ học 1 tuần là xứng đáng”- thầy Bình khẳng định.
Lý giải cho điều này, thầy Bình cho rằng đó là biện pháp giáo dục thích đáng, là cách để giáo dục học sinh, những công dân tương lai của đất nước có ý thức kỷ luật, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp. Thầy Bình cũng nhấn mạnh vai trò của gia đình trong việc giáo dục con em mình.
“Nếu bố mẹ không giao xe máy cho con đến trường khi chưa đủ tuổi lái xe cũng như chưa có bằng lái xe thì con sẽ không phạm luật. Hay những học sinh đi xe đạp điện nhưng bố mẹ không quên mua mũ bảo hiểm cho con thì chắc chắn con không đầu trần đến trường.
Rõ ràng, việc giáo dục học sinh có ý thức chấp hành luật giao thông có trách nhiệm của gia đình chứ không thể đổ trách nhiệm sang cho nhà trường và xã hội được. Vì thế, khi học sinh có hành vi vi phạm luật an toàn giao thông thì nhà trường sẽ mời gia đình đến ký cam kết, trong một tuần đấy cha mẹ phải quản lý con em mình ở nhà. Đây là sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh chấp hành luật pháp”- thầy Bình nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi, vậy liệu việc nghỉ học 1 tuần có ảnh hưởng đến kết quả học của học sinh hay không, thầy Bình cho rằng: các em mắc lỗi, thì phải chấp nhận hình phạt. Các em phải có trách nhiệm tự học. Theo quy định, nếu các em ốm quá 45 ngày mới không được đi thi. Còn 1 tuần các em sẽ không bị ảnh hưởng đến việc có được thi hay không.
Không phải nói đuổi… là hết trách nhiệm
Tuy nhiên, thầy Bình cũng cho biết thêm, bên cạnh việc học sinh có trách nhiệm tự học bằng cách mượn vở của bạn chép bài, tự giác hỏi bài bạn thì nhà trường cũng cần phải có trách nhiệm giúp đỡ các em.
“Cho nghỉ học không có nghĩa là đuổi thẳng cổ, là loại các em ra khỏi trường học, thay vào đó nhà trường cần phải yêu cầu bạn bè, hoặc giáo viên có kế hoạch giúp đỡ các em ngoài giờ học. Thậm chí nếu các em có nguyện vọng được đến trường tham gia lao động công ích ½ thời gian bị đuổi học thì nhà trường cũng linh động xem xét đáp ứng”- thầy Bình nói.
Đồng tình với quan điểm này, thầy Đàm Tiến Nam, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng: Tất cả các hình thức xử lý kỷ luật mà Sở GD & ĐT đưa ra xung quanh hành vi vi phạm giao thông của học sinh đều mang tính giáo dục, và buộc nghỉ học 1 tuần là hình thức cao nhất.
Thầy Nam cũng cho rằng, học sinh vi phạm giao thông đến mức phải đuổi học sẽ không nhiều. Trong trường hợp các em buộc phải thôi học thì nhà trường cũng sẽ có kế hoạch phối hợp cùng gia đình để giáo dục các em.
“Không phải là cứ nhận được giấy báo xử phạt của công an là gọi gia đình đình chỉ rồi đưa các em về nhà, thế là hết trách nhiệm. Đình chỉ không có nghĩa học sinh không đi học, thay vào đó các em sẽ tự học, mượn vở của bạn, hỏi bài bạn, hỏi thầy cô… Nhà trường luôn mở rộng với các em. Không nên hiểu đuổi là đuổi thẳng như các trang mạng thông tin, bởi như thế không còn ý nghĩa của giáo dục”- thầy Nam khẳng định.
Tuy nhiên theo thầy Nam thì Sở GD & ĐT Hà Nội cũng nên nghiên cứu và đưa ra những giải pháp khác (phạt lao động công ích, phạt tiền thật nặng…) thì sẽ có ý nghĩa hơn.