Mô hình co-working space mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ cho nhân sự trẻ. |
“Sống khỏe” trong đại dịch Covid-19
Trái ngược với những ngành bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid-19 như hàng không, dịch vụ sân bay, du lịch..., dịch vụ co-working space cùng một số ngành có triển vọng tích cực trong ngắn hạn đang chuẩn bị cho sự phát triển xa hơn tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tony Suh Haesung, CEO Công ty Hivelab Vina - đơn vị sở hữu Dream Station Co-working Space, một “tân binh” Hàn Quốc trên thị trường dịch vụ không gian làm việc chung mỗi ngày đến văn phòng với tâm trạng hào hứng, không sợ hãi, căng thẳng. Thái độ của vị CEO trẻ này khiến các đối tác Hàn Quốc đang làm việc tại đây cũng sôi nổi hơn. Ngoài ra, anh còn thường xuyên cập nhật tình hình di chuyển của các khách Hàn Quốc thuê văn phòng tại Dream Station với cả tòa nhà.
“Mọi thứ ở đây vẫn bình yên, mọi người an tâm, không kỳ thị người Hàn Quốc”, Haesung cho biết.
Điều này đặc biệt quan trọng, khi đại dịch Covid-19 đang lan nhanh trên toàn cầu, mà Hàn Quốc là một trong những ổ dịch lớn.
Tình hình kinh doanh của Dream Station Coworking Space nói riêng và Hivelab Việt Nam nói chung chưa gặp phải khó khăn về tài chính, kinh doanh hay nhân lực. Với những ưu thế về cơ sở vật chất và dịch vụ so với các văn phòng truyền thống cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, Dream Station đang nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi hoặc mở rộng văn phòng làm việc.
Dù mới đi vào hoạt động vài tháng, nhưng tỷ lệ lấp đầy của Dream Station Coworking Space đã đạt 50%. Khách hàng tại đây là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong và ngoài nước, trong đó, lượng doanh nghiệp trong nước chiếm ưu thế hơn. Đặc biệt, kế hoạch mở thêm điểm mới tại Hà Nội của “tân binh” này vẫn được thực hiện đúng tiến độ.
Trần Xuân Kiên, CEO Công ty Cogo - một chuỗi co-working space hạng A ở Hà Nội cũng có tâm trạng khá lạc quan. Đối tượng khách thuê co-working space thường không phải là công ty bán lẻ, sản xuất, thương mại, nên lĩnh vực này ít bị ảnh hưởng.
“Tôi chưa thấy chủ nhà và khách thuê có ý kiến, nhưng chúng tôi cũng đang đề nghị chủ tòa nhà giảm giá thuê trong một thời gian, nếu được, thì Cogo sẽ giảm giá cho khách hàng của mình”, ông Kiên nói.
Với 4 điểm đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy của chuỗi Cogo đạt khoảng 70%. Sau cú “ngã ngựa” của WeWork, giới đầu tư đang có góc nhìn không mấy tích cực về các doanh nghiệp trong ngành này, khiến kế hoạch đầu tư điểm mới của Cogo bị chững lại. Ông Kiên chia sẻ, nếu dịch Covid-19 kéo dài mấy tháng nữa, ông cũng sẽ tính toán để điều chỉnh kế hoạch đầu tư, kinh doanh cho phù hợp.
Trong khi đó, Đỗ Sơn Dương, đồng sáng lập, CEO Toong tiết lộ, doanh thu tháng 2 vừa qua của Toong tăng 29% so với tháng trước Tết Nguyên đán. Đến nay, hầu hết doanh nghiệp dự kiến đặt văn phòng tại các địa điểm của Toong không thay đổi kế hoạch. Toong đang triển khai và cố gắng khai trương khoảng 20.000 m2 mới trong năm nay. Tuy nhiên, cũng có một số khách hàng giảm thời gian làm việc ở văn phòng, song đã ký hợp đồng cả năm, nên trong ngắn hạn, hoạt động kinh doanh của của Toong chưa có xáo trộn.
Lựa chọn hàng đầu của thế hệ trẻ
Nhu cầu chia sẻ không gian làm việc bắt nguồn từ sự phát triển của các công ty khởi nghiệp. Họ cần văn phòng có giá cả phải chăng và không gian linh động, phù hợp với khả năng tài chính và đặc thù của doanh nghiệp.
Nhu cầu thị trường gia tăng, cũng là lúc các thương hiệu co-working space quốc tế với tiềm lực tài chính mạnh và kế hoạch kinh doanh bài bản bắt đầu lấn sân, tỏ rõ ưu thế cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nội địa có quy mô nhỏ hơn. Tất cả đang cùng tham gia cuộc chiến giành thị phần gay gắt vì sự hạn hẹp về không gian tại các thành phố lớn.
Nhằm tăng sức cạnh tranh, nhiều thương hiệu co-working space đang nỗ lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, như hỗ trợ tài chính và cơ sở vật chất, tư vấn phát triển cho các start-up...
Đặc biệt, để tạo sức hút và sự khác biệt so với văn phòng truyền thống, các đối thủ còn đang “chạy đua” đáp ứng nhu cầu của đội ngũ nhân lực Millennials (những người sinh năm 1980 đến năm 1995) và thế hệ Gen Z (những người sinh từ năm 1997 trở đi).
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trong vòng 5 năm tới, thế hệ nhân lực này sẽ làm “rung chuyển” thế giới. Mô hình co-working space đang chứng minh tính hiệu quả của mình, đặc biệt là mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ vào việc đáp ứng nhu cầu của thế hệ nhân sự lao động này.
Những mô hình làm việc phá cách với co-working space đã mang đến trải nghiệm làm việc mới lạ, giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài trẻ. Không gian làm việc chung cũng mang đến hình ảnh mới mẻ, hiện đại cho các doanh nghiệp, nhấn mạnh sự đầu tư của họ vào chất lượng làm việc và phúc lợi của nhân viên.
Xu hướng khởi nghiệp đang lên ngôi và Việt Nam đang trở thành “điểm nóng” khởi nghiệp tại Đông Nam Á, vì thế, nhu cầu văn phòng đang tăng mạnh hơn bao giờ hết. Dự báo, nhóm start-up sẽ là một trong những nhóm doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh nhất tại Việt Nam trong vòng vài năm tới đây.
Theo ông Chris Edwards, Tổng giám đốc Kafnu (co-working space đến từ Australia), tại Việt Nam, số người sử dụng co-working space thuộc thế hệ Millennials dưới tuổi 35 là 91%. Trong khi trên thế giới, con số trung bình chỉ ở mức 67%.
“Chúng tôi đã chứng kiến những thay đổi đáng ngạc nhiên trong sản phẩm và dịch vụ mà các thương hiệu co-working space giới thiệu đến thị trường, từ phong cách thiết kế đến các gói dịch vụ”, ông Edwards nói.
Tổng giám đốc Kafnu tự tin, Kafnu có thể đáp ứng nguyện vọng của thế hệ trẻ, sáng tạo và đam mê khởi nghiệp của Việt Nam. Kafnu không chỉ là một không gian làm việc chung, mà còn định vị mình là nền tảng kết nối những nhân tố đột phá và có tầm ảnh hưởng, nhằm cung cấp cho họ những cơ hội để có thể cùng nhau khám phá, kết nối và phát triển.
Ưu thế từ mô hình phá cách
CEO Đỗ Sơn Dương nhận định: “Co-working space là cánh cửa mở lối cho sự sáng tạo và tìm tòi học hỏi. Nó có tiềm năng lớn để phát triển bền vững và có thể dần thay thế các mô hình văn phòng truyền thống. Điều này sẽ diễn ra nhanh chóng trong vòng 3 năm tới”.
Theo Dương, trong xã hội hiện đại và nền kinh tế bùng nổ hiện nay, chỉ những môi trường làm việc có sứ mệnh rõ ràng và tôn trọng sự khác biệt mới có thể thu hút và níu giữ tài năng của đội ngũ nhân lực Millennials và Gen Z.
Trong vòng 5 năm tới, ngành dịch vụ co-working space sẽ chuyển mình theo hướng xây dựng những mô hình làm việc chung tiến bộ, không hào nhoáng bề ngoài, nhưng có tính liên kết và nhất quán trong giá trị cốt lõi. Những cá nhân tài năng sẽ bị thu hút bởi những nơi có nền văn hoá được nuôi dưỡng. Đó sẽ là những mô hình bứt phá khỏi định nghĩa thông thường của một không gian làm việc chung trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
Các thương hiệu co-working space sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới hệ thống của mình với sự khác biệt rõ rệt hơn về giá cả và giá trị mà họ mang đến cho khách hàng. Trong đó, cuộc đua về giá cả cho thuê sẽ không còn là yếu tố quyết định, mà co-working space nào có thương hiệu nổi bật, kết nối mật thiết đến một nhóm khách hàng cụ thể sẽ chiếm vị thế hàng đầu.
Trên thực tế, với sự phát triển nhanh và rộng của các đối thủ trên thị trường, co-working space từ lâu đã không còn là mô hình chỉ thu hút các công ty khởi nghiệp và công nghệ. Một số doanh nghiệp lớn với hàng trăm nhân viên cũng đang dần chuyển sang làm việc tại co-working space vì tính linh động, sáng tạo, cơ sở vật chất hiện đại và dịch vụ tốt của mô hình này.
Mặc dù các văn phòng truyền thống đã tính tới việc tối ưu hóa không gian của mình bằng cách thiết kế không gian đẹp hơn, tạo thêm những góc thiền, yoga… khiến môi trường văn phòng trở nên tốt hơn, song với những gì đang thể hiện, mô hình co-working space đang là mối đe dọa đối với các văn phòng truyền thống hiện hữu.
Sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp và nhu cầu tìm kiếm không gian làm việc với chi phí hiệu quả chính là yếu tố gia tăng số lượng cơ sở không gian làm việc chung. Với hoạt động mở rộng mạnh mẽ của cả đơn vị vận hành trong nước và quốc tế, co-working space dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong vài năm tới.