Tại Việt Nam hiện nay có khoảng 17,2 triệu người chưa được tiếp cận nguồn nước sạch, chiếm 20% dân số Việt Nam (Theo thống kê của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, tháng 5/2013). Người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý để có thể đưa vào sử dụng trong sinh hoạt thường ngày. Sự khan hiếm nước sạch gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và hoạt động sản xuất của người dân tại các vùng khó khăn này.
Nguồn nước sạch khan hiếm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân
Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên Môi trường,10/26 bệnh truyền nhiễm ở nông thôn hiện nay đều có liên quan đến nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, không đạt tiêu chuẩn để sử dụng cho cuộc sống sinh hoạt; điều kiện vệ sinh và vệ sinh kém.
Trung bình, mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém, 22% trong số đó là trẻ em dưới 14 tuổi do mắc các bệnh tiêu chảy…Vấn đề khan hiếm nước sạch còn ảnh hưởng đến công việc, sản xuất của người dân nghèo.
Chị Hoàng Thị Hồng, sinh sống tại xã Gio Thành, huyện Gio Linh,Quảng Trị, một trong những địa phương thiếu nước cho biết: “Trước đây tôi dùng nước giếng khoan, nước đỏ quạch mà vẫn phải dùng. Từ giặt cái áo bằng nước phèn nên mãi vẫn không trắng, nấu cơm thì nước cơm chuyển sang màu tím, đất đai thì chẳng trồng nên cây trái gì được vì nước phèn không cây trồng nào phát triển nổi”.
“Ngày trước, người dân ở đây chỉ mong có nước sạch để gia đình sinh hoạt, con cái khỏe mạnh không bệnh tật” , Chị Hoàng Thị Hồng (Quảng Trị) tâm sự
Niềm vui nước sạch của người dân vùng khó khăn
Việc không đủ nguồn nước sạch để đáp ứng cho việc sử dụng của bà con bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm đang dần cạn kiệt...đã ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân, đặc biệt là bà con sinh sống ở những khu vực còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Là một trong những người dân hưởng lợi trong dự án lắp đặt đường nước sạch đến từng hộ dân trong khu vực phường Linh Trung, quận Thủ Đức (TP.HCM), ông Nguyễn Văn Sáng, chia sẻ về niềm mong ước: “Tôi ở khu này từ năm 1987. Ngày trước, cả xóm mấy trăm hộ dân chỉ có 1 cái giếng khoan, bà con thay phiên nhau dùng. Phía sau ấp này là nhà máy bột giặt, nghĩa địa, bên trái là trại chăn nuôi heo tự phát mới được dỡ bỏ gần đây. Tất cả đều xả nước ra, nước thải thấm dần xuống đất rồi chúng tôi lại phải uống nước giếng khoan ấy, biết là hại cho sức khỏe, nhưng không có nước thì cũng phải xài thôi. Nước mưa thì quý như vàng, chỉ dùng để nấu ăn nhưng cũng đâu có đủ dùng cho cả năm trời. Bà con ở đây ai cũng mong sao có nước sạch để dùng chứ không dám nghĩ xa hơn”.
“Nhà tôi có 13 nhân khẩu, nhà đông mà trước đây muốn có nước dùng phải đi xa xách về, cực lắm. Từ ngày được bắt ống nước về tận nhà,việc sinh hoạt, nấu nướng gì cũng tiện. Tôi mừng vì có nước sạch để dùng, đỡ vất vả hơn”. Bà Nguyễn Thị Vang (Số nhà 1133/9 Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) vui mừng chia sẻ
Nhằm góp phần giải quyết nhu cầu về nước sạch của bà con, từ năm 2004, Coca-Cola đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam thực hiện nhiều chương trình nước sạch cho cộng đồng, giúp tăng số lượng người dân được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, cũng như các dự án bảo tồn nguồn nước, hỗ trợ cho các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu chung của Việt Nam.
Coca-Cola đã hỗ trợ lắp đặt gần 18.000m đường ống dẫn nước, phân phối và đầu nối tại hộ gia đình cho những người dân nghèo tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Dự tính, trước tết Giáp Ngọ, hơn 511 hộ dân tại đây sẽ có nước sạch phục vụ cho nhu cầu hàng ngày
Số người hưởng lợi từ dự án “Nước sạch cho cộng đồng” tính đến năm 2013 là gần 50.000 người dân. Riêng trong năm 2013, Coca-Cola đã đầu tư 5,7 tỷ đồng để hợp tác cùng Tổ Chức Định Cư Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) và Trung Tâm Nghiên Cứu Sức Khỏe Gia Đình và Cộng Đồng (CEFACOM) lắp đặt các đường ống dẫn nước, khoan giếng, lắp đặt hệ thống lọc nước cho gần 10.000 người dân khó khăn. Các khu vực được hưởng lợi từ chương trình: huyện Cam Lộ (Quảng Trị), huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), quận Thủ Đức (TP.HCM), huyện Thường Tín (Hà Nội). Coca-Cola còn hợp tác với Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tiếp tục triển khai dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng” ở Vườn Quốc Gia Tràm Chim với ngân sách hơn 3,7 tỷ đồng. Cùng với việc xây dựng chiến lược quản lý thủy văn, lưu giữ và lọc nước ngọt, khôi phục môi trường sống tự nhiên cho các loài quý hiếm, Coca-Cola mong muốn góp phần mang lại lợi ích trực tiếp, nâng cao thu nhập của người dân địa phương thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái bền vững. |
Như Loan