Ngân hàng - Bảo hiểm
Cơi nới thời gian cho sở hữu chéo
Thùy Vinh - 06/06/2018 08:58
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đề xuất sửa Thông tư 06/2015/TT-NHNN nới thời hạn giải quyết “cổ phần vượt giới hạn” của cổ đông lớn đến ngày 30/6/2019.

Gia hạn thời gian

Tại Thông tư 06/2015/TT-NHNN, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phối hợp với cổ đông, nhóm cổ đông liên quan đến sở hữu cổ phần vượt giới hạn phải giải quyết vấn đề này trước ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2015/TT-NHNN, NHNN đã đề xuất thời hạn chuyển tiếp với trường hợp tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần vượt giới hạn. 

Hiện VCB còn nắm 8,19% vốn tại Eximbank và 6,97% vốn tại MB. Ảnh: Đức Thanh

Cụ thể, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2015/TT-NHNN hướng dẫn thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác, tạo cơ sở pháp lý góp phần ngăn ngừa, hạn chế sở hữu chéo, minh bạch hóa nguồn vốn góp của cổ đông của tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó. 

Về thời hạn, trước ngày 30/6/2019, tổ chức tín dụng khác phối hợp với cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập kế hoạch khắc phục đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 

Sau thời hạn chuyển tiếp, đối với các trường hợp chưa tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, NHNN áp dụng các biện pháp đối với tổ chức tín dụng có cổ đông lớn và tổ chức tín dụng khác có cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn. Đó là không chấp thuận nhân sự dự kiến bầu làm thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát, bổ nhiệm làm tổng giám đốc của tổ chức tín dụng; cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn không được tăng số lượng cổ phần nắm giữ tại tổ chức tín dụng, chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định; các biện pháp xử lý khác. 

Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, tỷ lệ sở hữu cổ phần như sau: một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cùng với đó, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.

Do thoái vốn trì trệ

Với quy định trên của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, tình trạng sở hữu chéo sẽ ngày càng được siết. Song sau hơn 2 năm kể từ thời hạn 31/12/2015, việc thoái vốn của các ngân hàng vẫn chậm. Chỉ trong khoảng 6 tháng trở lại đây, khi thị trường chứng khoán khởi sắc, cổ phiếu ngân hàng tăng giá trở lại, việc thoái vốn ngân hàng có phần thuận lợi hơn. 

Cụ thể, Vietcombank - ngân hàng có vốn tại nhiều tổ chức tín dụng khác nhất đã lần lượt thoái vốn tại OCB, Saigonbank và Công ty Tài chính xi măng (CFC). Hiện VCB còn nắm 8,19% vốn tại Eximbank và 6,97% vốn tại MB. Dù gặp khó khăn trong việc thoái khoản vốn tại Sacombank, song cuối năm 2017 và đầu năm nay, Eximbank đã thoái thành công khoản vốn này, thu về khoảng 400 tỷ đồng lợi nhuận. 

Thông tin được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đến cuối năm 2017, không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn trong hệ thống ngân hàng. Số cặp sở hữu chéo giảm từ 7 cặp trong năm 2015 xuống còn 2 cặp. Sở hữu ngân hàng với doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp. Số tổ chức tín dụng sở hữu hơn 15% chỉ còn 3-4 trường hợp, so với 19 trường hợp vào năm 2012. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy nhanh việc thoái vốn về dưới tỷ lệ nắm giữ tại ngân hàng khác. 

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, việc ngân hàng sở hữu chéo với số lượng cổ phần lớn là vi phạm nguyên tắc công khai, minh bạch, dẫn đến khó quản lý dòng vốn, ngân hàng lợi dụng sở hữu để liên kết nhằm thao túng thị trường, gây không ít rủi ro với khách hàng. Sở hữu chéo dễ dẫn đến việc ngân hàng này sử dụng tài sản của ngân hàng kia hoặc ngược lại, khi tài sản biến động gây nên dư nợ bất thường, khó phân biệt để quản lý. 

Tuy nhiên, do sở hữu chéo là vấn đề khá phức tạp, khó phát hiện, kiểm soát với những trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ, nên đòi hỏi thanh tra kỹ lưỡng hoặc cơ quan chức năng qua điều tra mới phát hiện được. NHNN đã thực hiện đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm sở hữu chéo, yêu cầu các cổ đông vi phạm chuyển nhượng, thoái vốn, mua bán - sáp nhập (M&A).

Tin liên quan
Tin khác