Nếu việc điều chỉnh quy hoạch được thông qua như đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo, thì cơ hội bay thương mại sẽ mở ra đối với Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar (Vietstar Air), Công ty TNHH Hàng không Tre Việt - Bamboo Airlines… Đây là những đơn vị đã hội đủ các tiêu chí về vốn và năng lực bay, nhưng chưa được cấp phép do dự án đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành.
Cần phải nói thêm rằng, sau 7 năm triển khai Quyết định 21 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến 2020 và định hướng đến 2030, quy mô thị trường hàng không Việt Nam vẫn khiêm tốn khi còn đứng thứ 5 trong ASEAN.
Sự thiếu vắng của các nhà đầu tư tư nhân đã làm cho thị trường khai thác, vận hành các cảng hàng không thiếu đi sự cạnh tranh, từ đó có thể nâng cao chất lượng dịch vụ. |
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng một số cảng hàng không, sân bay lớn ở tình trạng quá tải; chất lượng dịch vụ hàng không và phi hàng không còn nhiều bất cập... Quan trọng hơn, khi quy mô đội tàu bay bị giới hạn, năng lực hạ tầng sân bay hạn chế, cơ chế huy động vốn chưa phù hợp… đã thu hẹp cơ hội của nhiều nhà đầu tư, làm giảm sức cạnh tranh của thị trường.
Trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng do chưa đưa ra được những hình thức hợp tác có tính khả thi cao đã khiến cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà kêu gọi hay bỏ vốn vào lĩnh vực này.
Chính sự thiếu vắng của các nhà đầu tư tư nhân đã làm cho thị trường khai thác, vận hành các cảng hàng không thiếu đi sự cạnh tranh, từ đó có thể nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, Nhà nước cũng bỏ lỡ cơ hội thu hút vốn trong khi nhu cầu vốn vào lĩnh vực này là rất lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách.
Trên thực tế, trong ngành hàng không, kết cấu hạ tầng nhà ga, hệ thống dịch vụ phi hàng không là những lĩnh vực hoàn toàn có thể xã hội hóa, mà không làm ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Trong khi đó, hiện vẫn còn không ít vướng mắc về cơ chế pháp lý cần phải giải quyết để chủ trương mới này sớm được triển khai trên thực tế.
Chính vì vậy, các nhà đầu tư mong rằng, trong Quy hoạch điều chỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân tham gia phát triển hạ tầng hàng không theo nguyên tắc không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư, xã hội.
Ở chiều ngược lại, một cơ chế giám sát hữu hiệu các cam kết của nhà đầu tư liên quan tới chống độc quyền khai thác, kiểm soát giá cả dịch vụ cũng cần được cụ thể hóa trong Quy hoạch điều chỉnh.
Yêu cầu mang tính bắt buộc này là nhằm đảm bảo việc sau khi xã hội hóa đầu tư, hoạt động khai thác sân bay phải tốt hơn, hiệu quả hơn, hành khách đi máy bay phải được hưởng các dịch vụ tại sân bay với chất lượng cao hơn, với chi phí hợp lý nhất; ngành hàng không thực sự phát huy hết tiềm năng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Đây mới chính là đích đến cuối cùng của việc điều chỉnh Quy hoạch tại lĩnh vực có nhiều nét đặc thù này.