Doanh nghiệp
Con đường trở thành “kỳ lân” duy nhất tại Nhật Bản
Lam Phong - 23/03/2016 07:39
Năm 2012, Shintaro Yamada, khi đó đã 34 tuổi, trong tình trạng độc thân và chán nản với công việc của mình. Anh quyết định rời bỏ một vị trí “an toàn” tại Tokyo và chuẩn bị cho chuyến đi bước ra bên ngoài thế giới.

Shintaro Yamada sắp xếp lịch trình cho chuyến du lịch với tiêu chí rẻ và tiếp cận nhiều nhất với người dân bản địa. Anh nghỉ trọ tại những nhà nghỉ không nước nóng giá 5 USD/đêm, đi nhờ xe hoặc trông chờ vào các chuyến xe bus địa phương để di chuyển giữa các địa điểm. Qua hơn 6 tháng và 23 quốc gia, anh đã đặt dấu chân tại rất nhiều nơi, với những trải nghiệm không thể quên trong đời.

Chuyến đi đã đưa anh tới quyết định bắt đầu một công ty nơi mà mọi người tại các quốc gia khác nhau có thể kết nối với nhau. Anh nhìn thấy việc ngay cả người dân ở những ngôi làng nghèo nhất cũng có điện thoại di động và mọi người đều khát khao có được công nghệ cho phép kết nối họ với thế giới rộng lớn ngoài kia. Điều này đã giúp Yamada sáng lập nên Mercari Inc., - trang thương mại điện tử qua di động, nơi kết nối ngươi mua với người bán theo cách dễ dàng. Trong tháng 3/2016, Mercari Inc đã trở thành startup đầu tiên của Nhật Bản đạt tới giá trị 1 tỷ USD.

Shintaro Yamada, CEO Mercari Inc

“Chuyến đi đã mở rộng tâm trí tôi, khiến tôi muốn làm một điều gì đó có ích tại bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tôi bắt đầu nghĩ tới việc có một hệ thống cho phép mọi người đổi tiền, hoặc đồ vật, hoặc dịch vụ chỉ với điện thoại di động”, Yamada, hiện tại đã 38 tuổi, trả lời phỏng vấn tại trụ sở chính của Công ty ở trung tâm thủ đô Tokyo.

“Kỳ lân” đơn độc

Trước khi Mercari ra đời, Yamada đã có quãng thời gian vật lộn với ý tưởng về một phần mềm giáo dục và ngôn ngữ, trước khi kết hợp với 2 người đồng sáng lập khác nhằm thành lập nên Mercari năm 2013. Trong tháng 3, Công ty đã đạt được giá trị đáng ghi nhận nhờ thu hút được thêm 8,4 tỷ yên (74 triệu USD) từ các nhà đầu tư, bao gồm cả Mitsui & Co và Globis Capital Partners. Công ty hiện tại có trụ sở tại Khu công nghiệp phức hợp Roppongi Hills, cùng với Google Inc và Goldman Sachs Groups Inc.

Việc Mercari gia nhập câu lạc bộ “unicorn” (kỳ lân) - những công ty startup có giá trị ít nhất 1 tỷ USD, là niềm vui riêng của Công ty, nhưng đồng thời cũng làm nổi bật lên tình trạng “khan hiếm’ các dự áp startup tư nhân tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Hiện tại có 155 unicorn trên thế giới, theo số liệu của CB Insights, với 92 công ty tại Mỹ, 25 tại Trung Quốc và 7 tại Ấn Độ. Trong khi đó, Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, hiện đang bị tổn thương bởi thiếu đi các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như nền văn hóa thiếu sự mạo hiểm, nơi mà con đường tốt nhất, tươi sáng nhất đó là có công việc ổn định tại một công ty lớn và làm việc tại đó trong suốt đời. 

Dù vậy, theo Yamada, vấn đề không quá “khủng khiếp” như mọi người vẫn nghĩ. Có khá nhiều công ty công nghệ tại Nhật Bản đã tiến hành niêm yết trước khi đạt tới giá trị 1 tỷ USD, bởi vì các yêu cầu niêm yết đối với các công ty nhỏ tại Nhật Bản không quá khắt khe. Thị trường TSE Mothers yêu cầu chỉ cần vốn hóa 10 triệu USD và không có điều kiện tiên quyết về thu nhập, trong khi đó, các công ty công nghệ muốn niêm yết trên sàn Nasdaq cần phải có giá trị thị trường là 50 triệu USD và có lợi nhuận ít nhất 750.000 USD.

Unicorn (kỳ lân) - những công ty startup có giá trị ít nhất 1 tỷ USD.

Mặc dù vậy, Yamada cho rằng Nhật Bản đang thiếu đi những hình mẫu doanh nhân, những người như Steve Jobs và Mark Zuckerberg.

“Vấn đề là không có nhiều người thử làm. Có lẽ nếu tôi làm được, nhiều người sẽ tin rằng việc trở nên thành công không phải là không thể”, Yamada cho biết.

Mắc kẹt với cuộc đời mình

Trước khi quyết định từ bỏ tất cả đi thực hiện chuyến đi của cuộc đời mình, Yamada đã có một cuộc đời khá dễ chịu trong “vùng an toàn” của chính mình. Anh học chuyên ngành toán học tại Đại học Waseda, một trường học danh giá nơi các sinh viên tốt nghiệp sẽ hướng tới làm việc tại các ngân hàng hàng đầu hoặc tại các công ty bluechips. Trước khi tốt nghiệp, anh tới thực tập tại trang web bán đấu giá Rakuten Inc, một website ít người biết đến. Tại đây, anh gặp người sáng lập Hiroshi Mikitani và chứng kiến ông xây dựng Công ty từ một website nhỏ bé trở thành hãng bán lẻ khổng lồ trị giá 14 tỷ USD.

Mặc dù quá trình thực tập tại Rakuten đã “thắp lửa” trong tư tưởng của Yamada, anh vẫn bị mắc kẹt với cuộc đời mình sau khi tốt nghiệp. Anh sáng lập một công ty game mang tên Unoh Inc năm 2001. Công ty đã sản xuất ra một số sản phẩm khá nổi tiếng và được mua lại bởi Zynga Inc năm 2010.

Tiếp sau đó, anh giúp xây dựng một phần mềm định vị cho một công ty có trụ sở tại San Francisco và là người lãnh đạo đầu tiên của đội ngũ sáng tạo game như FarmVille. Tuy nhiên nó chỉ tồn tại trong 18 tháng. Yamada muốn làm việc tại dự án mang tính toàn cầu hơn. Điều này dẫn tới việc anh đã thực hiện chuyến phiêu lưu trong 6 tháng, sáng lập nên Mercari, với 2 người bạn cùng đại học Waseda là Tommy Tomishima và Ryo Ishizuka.

Điểm đặc biệt của Mercari là nó được thiết kế đặc biệt dành riêng cho thiết bị di động và cho phép người dùng cá nhân dễ dàng lướt qua các sản phẩm được bán hoặc bán sản phẩm của chính mình. Mọi người bán đủ mọi loại hàng hóa, từ quần áo, đồ điện tử tới vé xem bóng chày. Mặc dù chưa biết Mercari có thể đi xa tới đâu, nhưng ứng dụng này đã được 32 triệu người tải về và đóng góp 10 tỷ yên doanh thu hàng tháng, Yamada cho biết. Mercati sẽ thu phí đối với mỗi giao dịch mua bán.

“Thị trường cho lĩnh vực dịch vụ kinh doanh tới người tiêu dùng rõ ràng đã rất phát triển, tuy nhiên, vẫn còn khoảng không cho các ứng dụng hỗ trợ người dùng tăng trưởng. Mercari hiện tại đã dẫn đầu tại Nhật Bản. Điều này mang lại lợi nhuận cho những người đi đầu”, Tomoaki Kawasaki, chuyên gia phân tích tại Iwai Cosmo Securities Co cho biết.

Tấn công là biện pháp phòng thủ tốt nhất

Hiện tại, Yamada đang chuẩn bị cho chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng của Mercari tại Mỹ, quê hương của những đại gia tiên phong trong thương mại điện tử như Amazon.com Inc và Ebay Inc. Mercari đã xuất hiện tại Mỹ từ tháng 9/2014 và được 7 triệu người dùng tải vể, tuy nhiên, rất khó để duy trì số lượng người sử dụng. Để tăng trưởng hơn nữa, Yamada đã hạ mức phí giao dịch trên Mercari xuống 10% tại Mỹ và lên kế hoạch sử dụng số vốn huy động được để thực hiện marketing thông qua các trang mạng xã hội, bao gồm cả Facebook.

Tin tốt rằng, quá trình này đang ghi nhận những tín hiệu tích cực. Mercari đã từng bước leo lên trong bảng xếp hạng các ứng dụng mua sắm online được người dùng tải về đối với thiết bị của Apple, trong tháng 2/2016 đã nằm trong Top 10, theo số liệu từ Apple Annie. Yamada cho biết anh vẫn chưa tưởng tượng ra hết những khó khăn trong cuộc chiến sắp tới, tuy nhiên, đặt những dấu ấn lớn hơn tại thị trường Mỹ là điều cần thiết để trở thành một công ty toàn cầu. Do vậy, anh không chọn cách lùi bước.

“Nếu không phải chúng tôi, sẽ có một ai đó khác chiếm lĩnh thị trường Mỹ và rồi cuối cùng, chúng tôi sẽ phải đối mặt với họ ngay tại Nhật Bản. Trong trường hợp này, tấn công chính là cách phòng thủ tốt nhất”, Yamada cho biết.

Tin liên quan
Tin khác