Ông Tuấn cho biết, tính đến nay, cơ quan quản lý giá từ Trung ương đến địa phương đã rà soát, công bố công khai giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai của 708 dòng sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá bán lẻ giảm từ 0,1% đến 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá (từ 1/6/2014).
Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn |
“Tuy nhiên, vẫn còn một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định như đăng ký giá chưa đầy đủ sản phẩm; giá bán thực tế cao hơn giá đăng ký, cao hơn giá niêm yết; không niêm yết giá hoặc niêm yết chưa đầy đủ và chưa đúng quy định; gian lận thương mại (tẩy xóa và in lại hạn sử dụng, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng)…”, người đứng đầu cơ quan quản lý giá thông tin thêm và cho biết, thời gian vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước đã xử phạt hành chính đối với tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng quy định về kinh doanh sữa và bình ổn giá sữa 519.739.000 đồng.
Vẫn theo ông Tuấn, kết quả bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn còn chưa chắc chắn và tiềm ẩn nhiều dấu hiệu biến động bất thường.
Trong đó, đáng chú ý nhất là vẫn còn doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa có những biểu hiện cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường, còn tình trạng thay đổi trọng lượng, mẫu mã sản phẩm để xác định giá tối đa mới; nguyên liệu sữa thế giới giảm nhưng giá nhập khẩu không giảm hoặc giảm không tương xứng khiến giá sữa thành phẩm trong nước không giảm; 70% nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước phải nhập khẩu, nguyên liệu sữa nhập khẩu và sữa thành phẩm nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định nên trước khi cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các biện pháp bình ổn giá sữa liên tục tăng và giữ ở mức cao.
“Điều này đặt ra những nghi vấn về hiện tượng thao túng, dấu hiệu chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam”, ông Tuấn nhận định.
Trả lời câu hỏi vì sao giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi lại cao hơn so với các nước trong khu vực, giá sữa nguyên liệu giảm nhưng giá sữa trong nước không giảm, và việc đấu tranh với nghi vấn chuyển giá, ông Tuấn cho biết, giá bán sữa trung bình cho trẻ em dưới 6 tuổi ở Việt Nam hiện tại là 16 USD/kg cao hơn so với Thái Lan (14 USD/kg), Philippines (12,9 USD/kg), Malaysia (10,9 USD/kg), Indonesia (9,5 USD/kg)…
“Có sự khác nhau kể trên do nhiều yếu tố như môi trường kinh doanh, chính sách ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, đặc biệt là quy mô, cơ cấu, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng nên nhà sản xuất có những chính sách phân phối, ưu đãi, mức giá khác nhau cho mỗi quốc gia”, ông Tuấn giải thích.
“Theo quy định của Luật giá, Nhà nước chỉ thực hiện bình ổn giá đối với sữa thành phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là thực phẩm dinh dưỡng, do đó để sản xuất ra sản phẩm này gồm rất nhiều vitamin và khoáng chất, trong đó sữa nguyên liệu chỉ là một trong các yếu tố hình thành lên giá thành. Mặt khác, không phải sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nào cũng có đầy đủ các nguyên liệu sữa bột trong thành phần sản xuất”, người đứng đầu Cục Quản lý giá giải thích về việc giá sữa nguyên liệu giảm nhưng giá sữa cho trẻ em không giảm.
“Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá tình hình, phối hợp với các cơ quan quản lý cạnh tranh, cơ quan thương vụ để xem xét, rà soát, kiểm tra giá sữa”, ông Tuấn cho biết các biện pháp để chống lại việc chuyển giá.
Liên quan đến câu hỏi nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách thay vỏ, đổi tên, thêm chất, điều chỉnh độ tuổi dùng sữa để điều chỉnh giá bán trước thời điểm phải kê khai giá, dẫn chứng cụ thể về các sản phẩm sữa có “nghi án” lách luật của Công ty Mead Johnson Vietnam và Friesland Campina Vietnam, ông Tuấn cho rằng không có căn cứ để khẳng định các sản phẩm sữa chỉ thay đổi bao bì mà các chỉ tiêu chất lượng không thay đổi.
Mặc dù vậy, đại diện Cục Quản lý giá cũng thông tin, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) để rà soát, kiểm tra các sản phẩm sữa mới.
“Nếu phát hiện ra sản phẩm sữa mới chỉ thay đổi bao bì, mẫu mã mà các thành phần không thay đổi, cơ quan quản lý giá kiên quyết không chấp nhận việc xác định, kê khai giá m ới đối với sản phẩm này”, ông Tuấn khẳng định.