Y tế - Sức khỏe
Còn nhiều hạn chế trong phát triển y tế thông minh
Hoài Sương - 01/04/2024 08:54
Mục tiêu bắt kịp công nghệ 4.0 của ngành y tế TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh hạ tầng thiếu đồng bộ, nhân lực hạn chế, dữ liệu không tương thích...

Đẩy mạnh phát triển y tế thông minh

Sở Y tế TP.HCM vừa có báo cáo đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 20230”. Theo đó, ngành y tế đã cơ bản hoàn thành thiết kế cơ sở dữ liệu, trong năm 2023 đã tạo lập được dữ liệu khám sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM.

Dự kiến trong năm 2024, Sở Y tế sẽ tập trung triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử người cao tuổi theo hướng tích hợp dữ liệu sức khỏe từ chương trình khám sức khỏe người cao tuổi, tạo lập dữ liệu hành chính hướng đến hoàn thành tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người thuộc nhóm nguy cơ và sau đó lần lượt đến các đối tượng tiếp theo.

Trước đó, TP.HCM đã ban hành kế hoạch số 2258/KH-UBND về triển khai đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 20230” năm 2022-2023. Qua đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong lĩnh vực y tế tập trung vào 3 nhóm chính: Dữ liệu dùng chung về sức khỏe của người dân TP.HCM và mô hình bệnh tật dịch bệnh; nhân lực y tế, trang thiết bị y tế và cung ứng thuốc; chứng chỉ hành nghề y, dược và giấy phép hoạt động.

TP.HCM đẩy mạnh phát triển y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 20230.

Ngoài ra, Sở Y tế triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và các ứng dụng công nghệ thông tin, tăng thêm các tiện ích cho người bệnh tại các bệnh viện. Đến nay, 44/51 bệnh viện đã xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử và 13/51 bệnh viện đang triển khai bệnh án điện tử trong năm 2023 theo đúng lộ trình của Bộ Y tế.

Không những triển khai các ứng dụng công nghệ nhằm tăng thêm tiện ích cho người dân như: Ứng dụng “Tra cứu khám chữa bệnh”, “Cổng tra cứu hành nghề tư nhân”, hệ thống đặt lịch khám trực tiếp… Ngành y tế TP.HCM còn đẩy mạnh ứng dụng công nghiệp 4.0 vào hoạt động khám chữa bệnh như: Phẫu thuật Robot ngoại tổng quát, AI RAPID, IBM Watson for Oncology, trí tuệ nhân tạo…

Hiện TP.HCM đã chỉ đạo ngành y tế tăng cường ứng dụng thông tin trong công tác quản lý dịch bệnh. Cụ thể, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong quản lý bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Đến nay, phần mềm này đã có các lớp dữ liệu: Ca bệnh sốt xuất huyết, ổ dịch và điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết, quản lý 4 bệnh viện truyền nhiễm lưu hành miễn phí…

TP.HCM cũng đang xây dựng nền tảng số giúp quản lý dịch bệnh mới nổi, hiệu quả bằng nền tảng “Quản lý dịch bệnh mới nổi” và “Phần mềm quản lý chuỗi lây nhiễm”.

Còn hạn chế

Theo Sở Y tế TP.HCM, các sở y tế hiện nay chưa được đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng đúng mức đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Đây cũng là khó khăn chung trong quá trình chuyển đổi số, nhất là việc triển khai bệnh án diện tử (EMR).

Trong khi đó, chi phí đầu tư công nghệ thông tin chưa được tính vào giá thu khám bệnh, chữa bệnh dẫn đến việc đầu tư và tái đầu tư trong quá trình vận hành hệ thống công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế còn nhiều khó khăn, hầu hết cơ sở y tế phải sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp để đầu tư.

Ngoài ra, thời gian thực hiện các dự án đầu tư công nghệ thông tin còn kéo dài do thủ tục đầu tư phức tạp (trung bình khoảng 4-5 năm cho một dự án), do đó, đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin là không dễ dàng, không đồng bộ ở các cơ sở y tế.

Về nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin trong môi trường y tế hiện nay còn khan hiếm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguyên nhân là do, nguồn thu nhập không đảm bảo, không có chế độ đãi ngộ hợp lý; nhân lực có trình độ nhưng không am hiểu về quy trình, nghiệp vụ về y khoa, dẫn đến ciệc chuyển đổi ngôn ngữ từ quy trình nghiệp vụ sang ngôn ngữ số còn khó khăn.

Hiện nay, công nghệ mới, hiện đại đã giúp người dân thuận lợi và rút ngắn thời gian chờ đợi khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân quan tâm và sử dụng các tiện ích vẫn còn rất thấp, tác động không nhỏ đến mục tiêu và lộ trình thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế.

Tin liên quan
Tin khác