UBND TP.HCM vừa có báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 27 ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Theo đó, 5 năm qua, TP.HCM tiếp nhận xử lý 24.709 đơn thư tố cáo, tố giác, phản ánh, kiến nghị liên quan đến hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó có 5 người yêu cầu được bảo vệ. Theo UBND TPHCM, đến nay chưa phát sinh trường hợp người tố cáo, tố giác, phản ánh bị trả thù, trù dập; chưa phát sinh người đứng đầu bị xử lý do buông lỏng lãnh đạo, quản lý không làm hết thẩm quyền để xảy ra tình trạng người tố cáo, phản ánh, tố giác bị trả thù, trù dập.
Tuy nhiên UBND TP.HCM cho rằng, công tác bảo vệ người tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: cán bộ, đảng viên và người dân còn ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; các biện pháp bảo vệ người tố giác, tố cáo chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu hiệu quả nên chưa khuyên khích sự chủ động của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực..
Mặt khác, một số quy định của pháp luật hiện nay về bảo vệ người tố cáo chưa cụ thể, gây ra không ít khó khăn cho công tác bảo vệ người tố cáo trong thực tế.
Cụ thể, theo UBND TP.HCM, việc bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo là một nguyên tắc trong công tác giải quyết tố cáo. Tuy nhiên, do mô hình cơ quan, tổ chức tiếp nhận, xử lý đơn, thư và giải quyết tố cáo là những tập thể với nhiều bộ phận khác nhau nên nếu cán bộ, công chức và những người có liên quan chưa được quán triệt sâu sát, nâng cao ý thức về việc giữ gìn bí mật thông tin của người tố cáo thì quy định này khó có thể đảm bảo.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế tài xử lý kỷ luật hình thức “cảnh cáo’’ đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo làm lộ thông tin cá nhân của người tố cáo, thì trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin chỉ thuộc về người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Tuy nhiên, đối với cán bộ tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo (cán bộ tiếp công dân, cán bộ tiếp nhận của cơ quan, đơn vị khác trong trường hợp cơ quan đó không có thẩm quyền giải quyết...) nếu làm lộ danh tính người tố cáo thì chưa có chế tài xử lý.
Mặt khác, theo Luật Tố cáo năm 2018 thì “khi có căn cứ" cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, xâm hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm hoặc bị trù dập, phân biệt, đối xử về việc làm, vị trí công tác... của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo thì tùy từng trường hợp họ có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan công an... áp dụng biện pháp bảo vệ.
Tuy nhiên, việc hiểu như thế nào là “có căn cứ” theo quy định trên đang còn là một vấn đề khó xác định vì quy định này mang tính định tính, không liệt kê hoặc định lượng được ở mức độ nào, những biểu hiện nào, những hành vi nào thì được coi là “có căn cứ”.
Vì vậy, trên thực tế có thể dẫn đến một trong hai tình huống: Một là, việc tố cáo chưa thực sự có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khẻe, chưa thực sự có thể xâm hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm... của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo nhưng khi được yêu cầu, người có thẩm quyền, trách nhiệm vẫn quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ. Trường hợp này không những gây tốn kém không cần thiết mà còn gây ra những ảnh hưởng không tốt về mặt tâm lý, dư luận xã hội...
Hai là, tình huống thực sự rất cần phải bảo vệ người tố cáo nhưng có thể do quan điểm chưa đủ “căn cứ” nên người có thẩm quyền, trách nhiệm chưa kịp thời áp dụng các biện pháp bảo vệ dẫn đến hậu quả việc bảo vệ người tố cáo không đạt yêu cầu theo quy định.
Bên cạnh đó, theo UBND TP.HCM, theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ, trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo trước hết thuộc về người giải quyết tố cáo, sau đó mới tới của các cơ quan phối hợp như cơ quan quản lý người tố cáo tại nơi công tác, UBND các cấp, cơ quan công an có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan khác.
Về mặt nguyên tắc, quy định như vậy đã cơ bản khắc phục được tình trạng người tố cáo phải tự mình tìm người, cơ quan, tổ chức bảo vệ mình, hạn chế được khả năng đùn đẩy, né trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.
Tuy nhiên, nếu việc phối hợp giữa người giải quyết tố cáo và các cơ quan, tổ chức có liên quan không tốt, thì việc bảo vệ người tố cáo vẫn khó có thể đạt yêu cầu trên thực tiễn, nhất là trong các tình huống bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo.
Ngoài ra, nguồn kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất bảo vệ người tố cáo chưa được quy định rõ ràng là sẽ trích từ nguồn ngân sách nào và cơ quan nào trực tiếp chi trả cũng gây khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn.
Nguyên nhân thực trạng trên, TP.HCM cho rằng, bởi quy định về bảo vệ người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa hoàn thiện, thiếu cụ thể; chưa có chế tài xử lý nghiêm để phát huy tác dụng phòng ngừa, răn đe đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo; việc biểu dương, khen thưởng người tố giác, tố cáo đúng chưa tương xứng; các biện pháp bảo vệ chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu hiệu quả nên chưa khuyến khích sự chủ động của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Từ đó UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể hóa các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ người tố giác, tố cáo; người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.