Bộ Công Thương đã chính thức công bố 88 doanh nghiệp đạt giải Thương hiệu Quốc gia Vietnam value 2016, trong đó, có 23 doanh nghiệp 5 lần liên tiếp được vinh danh, như Việt Tiến; Sabeco; Hòa Bình; Vietcombank; An Phước; Biti’s; VNPT, SJC; Nhựa Bình Minh…
Ngoài 63 doanh nghiệp đã từng được công nhận ở các năm trước, có thêm 25 doanh nghiệp mới.
Cùng với các tên tuổi lớn nhưVietcombank, Viglacera, Việt Tiến..., Sabeco đã 5 lần được vinh danh Thương hiệu quốc gia. |
Đáng chú ý, Tân Hiệp Phát có sản phẩm được vinh danh Thương hiệu Quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, không phải doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia thì tất cả sản phẩm của doanh nghiệp đó đều là Thương hiệu quốc gia”. Ở kỳ xét chọn này, Tân Hiệp Pháp chỉ có 2 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia đó là Trà thảo mộc Dr. Thanh và Trà xanh 0 độ.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện nay, vấn đề của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát đã được giải quyết xong và 2 sản phẩm của Tân Hiệp Phát đủ tiêu chí đạt giải Thương hiệu Quốc gia 2016.
Được biết, các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2016 chủ yếu thuộc 16 ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp sản xuất, cụ thể như: Cơ khí, máy móc, thiết bị; Dệt may – da giày; Điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông; Đồ gỗ, gốm sứ, thủ công mỹ nghệ; Đồ trang sức, kim hoàn, đá quý; Dược phẩm, hóa mỹ phẩm; Giấy, văn phòng phẩm, bao bì; Năng lượng, khoáng sản; Nhựa, cao su, hóa chất; Nông, lâm, thủy sản; Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Thực phẩm, đồ uống; Thương mại, dịch vụ; Vận tải, du lịch; Vật tư nông nghiệp; Xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản.
Có 70 doanh nghiệp đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng trở lên, 26 doanh nghiệp doanh thu 5.000 tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng lại đi vào những lĩnh vực khó như công nghệ sinh học, công nghệ cao…
Thống kê từ Ban thư ký chương trình cho thấy, năm 2015 tổng doanh thu của các doanh nghiệp này đạt hơn 662.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2013.
Các doanh nghiệp này cũng đóng góp giá trị xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD và góp vào ngân sách Nhà nước là 59.093 tỷ đồng, tăng hơn 27,6% so với năm 2013 với khoảng nửa triệu lao động tại các doanh nghiệp trên.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003. Đây là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ). Bộ Công thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai.
Biểu trưng Thương hiệu Quốc gia có tựa đề Giá trị Việt Nam (Vietnam Value) được trao cho các thương hiệu sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí của Chương trình. Việc lựa chọn các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia (THQG) được tiến hành 2 năm một lần, nhằm mục đích khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ và theo đuổi các giá trị của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong. Trên cơ sở phát huy các giá trị này, doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành, lĩnh vực mình kinh doanh, sản xuất dựa trên việc không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Số lượng các doanh nghiệp đạt THQG qua các thời kỳ như sau: 30 DN (2008); 43 DN (năm 2010): 54 DN (năm 2012); 63 DN (năm 2014); 88 DN (năm 2016).a