Tội phạm mạng ngày càng tinh vi, nên cần tăng cường các các biện pháp an ninh hệ thống hiện đại |
Năm thắng lợi của an ninh mạng
Báo cáo tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, “an toàn thông tin mạng tiếp tục là điểm sáng”, với nhiều kết quả tích cực. Theo đó, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng ước đạt 5.522 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022 (4.062 tỷ đồng).
Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp hoạt động an toàn thông tin mạng đạt 322,3 tỷ đồng, tăng 38,68% so với năm 2022. Tổng số lao động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng đến nay là 3.866 người, tăng 13% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng không ngừng tăng lên. Đến nay, có tổng cộng 119 doanh nghiệp được cấp phép (3 tập đoàn nhà nước, 69 công ty cổ phần và 34 công ty trách nhiệm hữu hạn).
Trong đó, 74 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu sản phẩm; 30 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất sản phẩm và 80 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ. Tổng số hệ thống thông tin trong cơ quan, tổ chức nhà nước là 3.192 hệ thống, với 2.074 hệ thống đã được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin, đạt 65%.
Còn theo số liệu của OPSWAT, thị trường an ninh mạng tại Việt Nam đạt doanh thu lên đến hơn 260 triệu USD, trong đó các giải pháp an ninh mạng đạt khoảng 170 triệu USD. Dự báo, thị trường sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 16,37% trong giai đoạn 2023-2028, đạt mức doanh thu khoảng 565 triệu USD vào năm 2028.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu cho năm 2024 là tiếp tục duy trì thứ hạng của Việt Nam trong Top 30 thế giới về Chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Tốc độ tăng trưởng doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng đạt 20%; tốc độ tăng trưởng chứng thư số công cộng đạt 7-10%...
Đặc biệt, định hướng đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành “cường quốc an toàn thông tin mạng” với sứ mệnh bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng nền công nghiệp an toàn thông tin mạng hùng mạnh.
Đồng thời, Việt Nam cũng xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng. Đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam đạt tối thiểu 20%.
Tội phạm mạng ngày càng tinh vi, nên cần tăng cường các các biện pháp an ninh hệ thống hiện đại |
Tiến gần mục tiêu cường quốc an ninh mạng
Ông Benny Czarny, Chủ tịch HĐQT OPSWAT đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã và đang cải thiện mạnh mẽ hạ tầng an ninh mạng của đất nước thông qua một loạt bước pháp lý, tổ chức và thể chế. Các bộ, ban, ngành đang tích cực thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp an ninh mạng thông qua việc bắt buộc áp dụng các giải pháp an ninh mạng với doanh nghiệp và các ban, ngành.
Theo ông Benny Czarny, Việt Nam được coi là thị trường tiềm năng cho lĩnh vực an ninh mạng, nhờ một số lý do.
Thứ nhất, số người sử dụng Internet tại Việt Nam ngày càng gia tăng, mở ra nhiều cơ hội cho tội phạm mạng, nên cần phải có các giải pháp an ninh mạng hiện đại để bảo vệ thông tin cá nhân và doanh nghiệp.
Thứ hai, ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam đang phát triển mạnh và sự phụ thuộc vào công nghệ thông tin ngày càng cao. Điều này tạo ra nhu cầu cao cho các giải pháp bảo mật và an ninh mạng để bảo vệ hệ thống và dữ liệu.
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của an ninh mạng và cam kết đầu tư vào lĩnh vực này. Nhiều chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động đã được phát động để nâng cao an ninh mạng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo Luật An toàn thông tin mạng, việc bảo đảm an toàn thông tin mạng là yêu cầu bắt buộc. Nếu không tuân thủ, tổ chức sẽ đối mặt nhiều rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi xảy ra sự cố.
“Hiện nay, các doanh nghiệp an ninh mạng ở Việt Nam có rất nhiều chuyên gia giỏi, đạt thứ hạng cao ở nhiều cuộc thi quốc tế. Cùng với đó, doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam cũng có đầy đủ các sản phẩm, giải pháp, kỹ thuật để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp. Khi xảy ra sự cố, việc sử dụng các dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ linh hoạt hơn trong quá trình trao đổi, ứng cứu…”, ông Khoa chia sẻ.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Lễ thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, không gian mạng với các sản phẩm dịch vụ của Việt Nam đang ngày càng trưởng thành hơn. Các sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin, an ninh mạng của các doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng như quốc tế. Tương lai, vị trí, vai trò của công nghệ thông tin và không gian mạng ngày càng quan trọng và giữ vị thế chủ đạo. Điều đó cho thấy, thị trường an ninh mạng rất lớn, đa dạng, thiết thực.
“Cần khẳng định, việc giải quyết được các vấn đề về nguy cơ, thách thức từ không gian mạng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường, thúc đẩy làm chủ, tự chủ được những sản phẩm dịch vụ và công nghệ an ninh mạng”, ông Lâm khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong tương lai không xa sẽ có những cuộc chuyển dịch từ chủ quyền lãnh thổ sang chủ quyền mạng, từ kiểm soát lãnh thổ sang kiểm soát không gian mạng, từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang làm chủ, tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, từ chiếm lĩnh thị trường trong nước sang thâm nhập thị trường quốc tế.