“Sở dĩ có mức tăng trưởng cao liên tục là do sự duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử, với trên 23 tỷ USD doanh thu, tăng 103,2%, chiếm tới 90,4% tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT”, Sách trắng về CNTT và Truyền thông Việt Nam năm 2013, do Bộ Thông tin - Truyền thông công bố, nhận định.
| ||
Samsung, Intel, Viettel, FPT… đã góp phần thúc đẩy doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam |
Phân tích rõ hơn, Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng, nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung ở Bắc Ninh (SEV) và nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Intel tại TP.HCM đã góp phần đẩy doanh thu ngành công nghiệp phần cứng tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhìn vào biểu đồ tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp CNTT Việt Nam, có thể thấy, sự tăng trưởng ngoạn mục được bắt đầu từ hai năm 2009 - 2010. Đây là thời điểm mà hai nhà máy của Samsung và Intel đi vào hoạt động.
Nhưng nếu nói đến sự đột phá ấn tượng, thì phải là hai năm 2011 - 2012, khi kim ngạch xuất khẩu của Samsung tăng vọt từ hơn 1 tỷ USD năm 2010 lên gần 6 tỷ USD năm 2011 và 12,6 tỷ USD năm 2012.
Thông tin từ Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho thấy, năm ngoái, giá trị sản xuất công nghiệp của SEV đạt khoảng 13 tỷ USD, còn giá trị xuất khẩu khoảng 12,6 tỷ USD. Còn Intel, theo Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, năm 2012, đã xuất khẩu trên 1,67 tỷ USD. Như vậy, chỉ riêng hai đại gia này, đã chiếm quá nửa tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam.
Trong khi đó, theo Sách trắng, công nghiệp phần mềm và nội dung số dù cũng tăng trưởng, nhưng tốc độ khiêm tốn, tương ứng 3,1% và 6,0%, trong đó sự tăng trưởng lĩnh vực phần mềm là thấp nhất trong cả 3 lĩnh vực.
Năm 2012 cũng là năm khó khăn của công nghiệp phần mềm Việt Nam. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, FPT vẫn nổi lên là doanh nghiệp hàng đầu, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu phần mềm đạt 34%, chủ yếu nhờ vào chiến lược đầu tư tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường nước ngoài trong bối cảnh thị trường trong nước khó khăn.
Một điểm đáng chú ý, theo Sách trắng, xuất khẩu sản phẩm CNTT - truyền thông năm 2012 đã đạt 22,92 tỷ USD, tăng trên 110,4% so với năm 2011. Trong khi đó, lĩnh vực viễn thông, vẫn là những “ông lớn” như Viettel, VinaPhone, MobiFone chiếm lĩnh thị trường. Năm 2012, tổng doanh thu viễn thông đạt gần 8,5 tỷ USD, tăng trở lại với trên 21% so với năm 2011. Trong đó, doanh thu dịch vụ di động tăng hơn 1 tỷ USD, từ 5,4 tỷ USD lên 6,5 tỷ USD và vẫn chiếm 76,43% doanh thu của toàn ngành.
Năm 2012 là năm tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục của lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là “ông lớn” Viettel bất ngờ vượt mặt VNPT. Theo đó, trong khi doanh thu của VNPT đạt mức 130.000 tỷ đồng, với lợi nhuận 8.000 tỷ đồng, thì Viettel có doanh thu 140.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2011 và có lợi nhuận lên tới 27.000 tỷ đồng.
Như vậy, sau 3 năm bám đuổi liên tục VNPT về doanh thu trong các năm 2009, 2010, 2011, mà vẫn phải chấp nhận đứng sau, thì năm 2012, Viettel đã giành vị trí thứ nhất.
Viettel cũng là đơn vị chiếm thị phần cao nhất trong mảng dịch vụ điện thoại di động, với 40,05%. Trong khi đó, MobiFone đã lấy lại vị trí số 2, với 21,4% (năm 2011 xếp thứ 3 với 17,9% thị phần). Theo sát là VinaPhone, với 19,88%. Nhà mạng này đã bị MobiFone soán ngôi, vì năm trước còn đứng thứ hai, với 30,1% thị phần. Trong khi đó, ở “chiếu dưới”, Vietnamobile vẫn chiếm thị phần cao nhất, với 10,74%.
Nhã Nam