Doanh nghiệp
Công nghiệp Quảng Nam bứt phá ngoạn mục
Hà Minh - 03/03/2017 08:38
Sau 20 năm tách tỉnh, công nghiệp của Quảng Nam đã bứt phá ngoạn mục, có lĩnh vực dẫn đầu và dẫn dắt ngành công nghiệp cả nước như công nghiệp ô tô.
TIN LIÊN QUAN

Từ sản xuất manh mún

Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết: “Công nghiệp Quảng Nam năm đầu mới tách tỉnh (1997) hầu như không đáng kể, quy mô nhỏ, máy móc thiết bị cũ kỹ, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư, trình độ quản lý và chuyên môn kỹ thuật chưa cao, thị trường tiêu thụ hạn chế”.

Tuy nhiên, những năm sau, giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tăng với tốc độ cao, giai đoạn 1997 - 2016, tăng bình quân 24,74%/năm. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 82.200 tỷ đồng, gấp 69 lần năm 1997. Không những vậy, cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khai khoáng, tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện, nước.

Sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp cơ khí ô tô Trường Hải (Quảng Nam)

Hiện nay, bên cạnh các khu kinh tế, tỉnh Quảng Nam có 9 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 4.734 ha, thu hút 202 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký gần 2 tỷ USD và gần 3.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 47.238 người. Các cụm công nghiệp trên địa bàn cũng đã ghi nhận 210 dự án đã thực hiện đầu tư với tổng vốn hơn 5.800 tỷ đồng, tạo việc làm cho 26.130 người…

Để có những bước tiến ngoạn mục ấy, theo ông Quang, ngay từ khi tái lập tỉnh, Quảng Nam đã tiến hành quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Ðiển hình là Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai, Khu công nghiệp Ðiện Nam - Ðiện Ngọc. Đến nay, Khu KTM Chu Lai đã có 5 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 4.500 ha. Trong đó, 3 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là: KCN Bắc Chu Lai giai đoạn I đã lấp đầy 90% và đang khai thác giai đoạn II, KCN Tam Hiệp giai đoạn I cũng đã lấp đầy khoảng 60%, KCN Cơ khí ô tô Trường Hải đã lấp đầy 100%.

Với việc chủ động xây dựng những chính sách hỗ trợ nhà đầu tư linh hoạt, cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, Quảng Nam đã thu hút được những dự án đầu tư hiệu quả như: Kính nổi Chu Lai; Gạch men Đồng Tâm; các dự án du lịch lớn của Indochina Capital, VinaCapital, Victoria, Golden Sand, Palm Garden… là cơ sở tạo nên những bước phát triển bền vững cho công nghiệp địa phương.

Đến tập trung những ngành công nghiệp mũi nhọn

Ngược thời gian 20 năm về trước, khó ai có thể hình dung trên mảnh đất Chu Lai cằn cỗi, hoang hóa lại mọc lên một “người khổng lồ” Thaco, để rồi sau hơn 10 năm đặt đại bản doanh tại đây, một trung tâm công nghiệp ô tô của Việt Nam đã được định hình rõ nét.

Và cũng khó ai hình dung được tại Khu KTM Chu Lai, Trung tâm điện khí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, cho chủ trương đầu tư nhằm khai thác nguồn khí có trữ lượng khổng lồ từ mỏ khí Cá Voi Xanh, làm tiền đề cho Trung tâm điện khí của miền Trung và cả nước.

Quảng Nam sẽ phát triển cả dịch vụ - du lịch.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam

Ngoài tập trung phát triển công nghiệp chế tạo, thì lĩnh vực dịch vụ - du lịch cũng được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Nam. Đây là ngành “công nghiệp không khói”, mang lại giá trị gia tăng cao, giúp tỉnh duy trì sự phát triển bền vững, hài hòa về kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần giảm nghèo, giải quyết tốt an sinh xã hội, quản lý tốt nguồn tài nguyên.

“Xuất hiện những yếu tố mới là do nhu cầu phát triển của thị trường. Những năm gần đây, Quảng Nam được các nhà đầu tư Hàn Quốc đặc biệt chú ý, bằng chứng là những dự án dệt, may, hỗ trợ dệt may đã được đầu tư, đòi hỏi Quảng Nam phải có quy hoạch phù hợp để có sự phát triển đồng bộ”, ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban quản lý Khu KTM Chu Lai nói.

Điều ông Diện nhắc đến đã được tỉnh Quảng Nam cụ thể hóa bằng Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp phụ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí cho các ngành chế tạo, sản xuất sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là ngành sản xuất lắp rắp ô tô; công nghiệp hỗ trợ cơ khí cho công nghiệp sản xuất, chế tạo thiết bị công nghiệp nặng, thiết bị sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản là mục tiêu chiến lược; Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng lĩnh vực sản xuất. Tiếp tục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cơ khí đòi hỏi công nghệ cao và hiện đại. Tập trung phát triển năng lực thiết kế, chế tạo linh kiện, cụm linh kiện phức tạp hướng tới thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, phấn đấu giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu xuống mức 50% và đến năm 2020 đạt giá trị sản xuất công nghiệp 6.800 tỷ đồng; hình thành Trung tâm Dệt may Quảng Nam với các nhà máy thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành  này trong Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung.

Tin liên quan
Tin khác