Trạm thu phí trên cầu Hạc Trì. Ảnh: Trung Kiên |
Ngay sau khi kiến nghị trên được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hậu quả của việc đầu tư dàn trải, thiếu tính toán.
Tiền hậu bất nhất
Lý giải về việc “xin” dừng thu phí cầu Hạc Trì, đại diện Công ty CP BOT cầu Việt Trì cho rằng, hiện nay, doanh thu thu phí của cầu Hạc Trì chỉ hơn 200 triệu đồng, trong khi theo phương án tài chính phải đạt gần 400 triệu đồng/ngày. Và nguyên nhân dân đến tình trạng này là từ ngày 1/8, người dân đã phá vỡ ụ chắn bê tông lên cầu Việt Trì cũ để đi qua cầu này nhằm "trốn phí" cầu Hạc Trì. Do đó, công ty này đã ra điều kiện: “Trong thời gian 15 ngày, nếu các cơ quan có thẩm quyền không giải quyết triệt để vụ việc để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, trong đó hệ lụy đến hàng trăm người lao động địa phương, đối tác, nhà thầu, ngân hàng thì Công ty sẽ dừng hoạt động cầu Hạc Trì để giải quyết vụ việc rõ ràng thấu đáo”.
Liên quan đến vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, DN kêu cứu cũng có lý của họ vì theo hợp đồng BOT đã ký, sau khi cầu Hạc Trì đưa vào khai thác, sẽ cấm ô tô qua cầu Việt Trì cũ để đảm bảo phương án tài chính. Tuy nhiên, câu trả lời của ông Trường đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các chuyên gia trong lĩnh giao thông và người dân. Một số ý kiến cho rằng, Bộ GTVT luôn khẳng định sẽ trao quyền cho người dân trong việc lựa chọn đường đi. Thế nhưng ngay từ khi ký hợp đồng BOT, Bộ GTVT đã đồng ý sẽ đóng cửa cầu Việt Trì cũ khi cầu Hạc Trì được thông xe. Thậm chí, một số ý kiến chỉ ra, Bộ GTVT lúc thì cho rằng việc cấm các phương tiện qua cầu Việt Trì cũ là do hợp đồng đã ký, lúc thì cho rằng cầu yếu không đảm bảo an toàn. Chính kiểu phát biểu lập lờ của lãnh đạo Bộ GTVT đã khiến nhiều người suy luận có lợi ích nhóm khi bắt dân phải đi qua cầu Hạc Trì.
Cần công bố rõ ràng
Liên quan đến việc chủ đầu tư dự án cầu Hạc Trì “dọa” đóng cầu, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, đây là hành động không thể chấp nhận được. Tất cả các dự án đầu tư đều phải tuân thủ theo quy định pháp luật, và khi đã xác định đầu tư, DN phải chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra. Nếu chủ đầu tư không muốn làm tiếp thì Bộ GTVT có thể mua lại dự án và bán quyền khai thác cho đơn vị khác.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đây là hành động thách đố Nhà nước và dư luận của chủ đầu tư. Bởi phần lớn số tiền DN bỏ ra để làm dự án là đi vay ngân hàng nhưng sau đó lại thu phí của người dân để hoàn vốn, thu lời, sâu xa thì cũng do tiền của dân bỏ ra. Với cách lập luận của mình, có vẻ như nhà đầu tư đang muốn dồn mọi trách nhiệm lên đầu người dân. Ở một góc độ khác, nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn tại dự án cầu Hạc Trì, các cơ quan chức năng cần kiểm tra lại chất lượng cầu Việt Trì cũ, công bố rõ ràng cho người dân biết. Không thể cứ nói khơi khơi cầu Việt Trì cũ đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn rồi đóng cầu, bắt người dân đi qua cầu Hạc Trì rồi thu phí.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, việc đóng hay mở cầu Hạc Trì không phải do nhà đầu tư quyết định. Bởi theo luật định, dừng hoạt động cầu, đường chỉ có thể được thực hiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT và Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP trong tình huống khẩn cấp, mất ATGT, gặp sự cố trong thiên tai. Do đó, nhà đầu tư ý dừng thu phí sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.