Ảnh Shutterstock |
Chứng khoán Thành công (TCSC, mã chứng khoán TCI) có sự thay đổi cổ đông lớn khá mạnh mẽ vào thời điểm cuối năm 2018, chỉ vài tháng sau ngày Công ty lên niêm yết.
Tại thời điểm niêm yết (5/9/2018), vốn điều lệ của Công ty là 360 tỷ đồng và còn lỗ luỹ kế hơn 32 tỷ đồng.
TCSC được thành lập từ năm 2008, nhưng hoạt động trên thị trường khá mờ nhạt.
Cơ cấu cổ đông lớn tại thời điểm đó gồm CTCP Thương mại dịch vụ tư vấn Đầu tư Sài Gòn 3 (nắm giữ 24,75%); ông Lê Anh Viên (nắm 18,88%); bà Lê Thị Thảo (nắm 13,76%); bà Tô Mỹ Phấn (nắm 5,9%).
Đến tháng 10/2018, Công ty xuất hiện thêm cổ đông lớn Huỳnh Khánh Quốc Hùng (sở hữu 19,36%) sau khi ông này mua vào 7 triệu cổ phiếu.
Nhưng không lâu sau đó, chính cổ đông này lại bán ra gần hết số cổ phiếu mua vào, chỉ còn sở hữu 50.000 cổ phiếu, tương ứng 0,14% tại thời điểm 24/12/2018.
Tương tự, hai cổ đông lớn là bà Tô Mỹ Phấn và Lê Thị Thảo cũng bán toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ.
Ngược lại, cổ đông lớn là CTCP Thương mại dịch vụ tư vấn đầu tư Sài Gòn 3, tổ chức có liên quan đến ông Nguyên Đông Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCSC đã mua 7,89 triệu cổ phiếu TCI. Qua đó, tổ chức này nâng sở hữu tại TCSC từ 24,75% lên 46,68%.
Đồng thời, CTCP May da Sài Gòn, tổ chức có liên quan đến ông Võ Trung Cương, Ủy viên Hội đồng quản trị cũng đã mua thành công 7,2 triệu cổ phiếu TCI.
Năm 2019, TCSC ghi nhận kết quả kinh doanh khá tích cực với lợi nhuận tăng trưởng tốt qua các quý.
Cụ thể, quý I/2019, Công ty lãi gần 4 tỷ đồng (trong khi quý IV/2018 lỗ 11,6 tỷ đồng), quý II lãi hơn 10 tỷ đồng và quý II lãi 20,8 tỷ đồng, chủ yếu đến từ nghiệp vụ tự doanh và tư vấn đầu tư.
Dù vậy, TCSC vẫn chưa xoá hết lỗ luỹ kế, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vẫn âm hơn 4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo TCSC, trong năm 2019, Công ty đã có những đầu tư cho hệ thống thiết bị, bổ sung nhân sự cấp cao, đẩy mạnh chiến lược tái định vị trên thị trường chứng khoán.
Đây rõ ràng là tín hiệu tích cực cho thấy sự cải tổ và kế hoạch hành động mạnh mẽ hơn của Công ty.
Công ty cũng có kế hoạch tăng vốn, đặt mục tiêu tăng doanh thu gấp 5 lần trong năm tới, nằm trong Top 10 công ty chứng khoán hoạt động tốt nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, cơ sở để đơn vị này đưa ra mục tiêu trên vẫn chưa được chia sẻ chi tiết.
Một thành viên thị trường khác cũng đang có những chuyển biến đáng chú ý là Công ty Chứng khoán FUNAN (PNSC).
Bà Dương Thị Minh Thảo được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ ngày 28/11/2019, thay thế ông Yau Hau Jan.
Tại thời điểm 30/6/2019, cơ cấu cổ đông của FNSC gồm Sunvie sở hữu 16,66 triệu cổ phiếu, tương ứng 49% vốn; cổ đông Nguyễn Hồng Hải sở hữu 2,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 6,17% vốn; ông Lữ Bỉnh Huy sở hữu 13,54 triệu cổ phiếu, tương ứng 5% vốn, còn lại 39,83% do các cổ đông khác sở hữu.
Trong năm 2019, Funan chưa có bứt phá về tình hình kinh doanh, nhưng đã khai trương thêm một chi nhánh giao dịch mới tại Đà Nẵng.
Năm 2018, Công ty lãi 20 tỷ đồng, nhưng chủ yếu nhờ hoạt động cho vay margin.
Mới đây, Chứng khoán FUNAN bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán với số tiền 85 triệu đồng.
Cụ thể, Công ty không lưu trữ đầy đủ các tài liệu thực hiện hoạt động tư vấn đầu tư và tư vấn tài chính cho khách hàng.
Một công ty chứng khoán khác cũng ghi nhận có bước chuyển động mới là HFT. Mới đây, công ty này đã đổi tên thành Công ty Chứng khoán Pinetree và tung chương trình miễn phí giao dịch trọn đời cho khách hàng. Kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty đang lỗ hơn 2 tỷ đồng.
Tại Công ty Chứng khoán SJC, cuối tháng 9 vừa qua, công ty này đã xin ý kiến cổ đông thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài là 100% và cho phép các đối tác trong và ngoài nước mua trên 25% vốn từ các cổ đông hiện hữu không qua chào mua công khai.
Ngoài ra, Công ty cũng sẽ thông qua việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của ông Vũ Quang Hiển.
Trước đó, ngày 20/8/2019, SJC đã công bố thông tin Nghị quyết Hội đồng quản trị thống nhất chủ trương và đồng ý về việc nhóm cổ đông do bà Lê Thị Diệu Phú, đại diện chuyển nhượng số cổ phần phổ thông chiếm tỷ lệ 80,75% tổng số cổ phần của SJC.
Luồng thông tin trên thị trường cũng cho rằng, SJC đã và đang thực hiện kế hoạch tìm kiếm đối tác ngoại tham gia vào công ty.
Cạnh tranh trong khối công ty chứng khoán ngày càng gay gắt khi nhiều công ty chứng khoán 100% vốn ngoại với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ tập đoàn mẹ, các công ty chứng khoán buộc phải có sự vận động, bứt phá để tìm chỗ đứng nếu không muốn phải rời khỏi cuộc chơi.