Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa yêu cầu Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi tạm dừng hoạt động nạo vét kết hợp tận thu cát lòng hồ thủy lợi P’róh, xã Pró, huyện Đơn Dương theo giấy phép đã được cấp cho đến khi UBND tỉnh có thông báo mới.
Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi phải báo cáo kết quả thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động nạo vét kết hợp tận thu cát lòng hồ thủy lợi, việc thực hiện Chỉ thị số 09/CTUBND, văn bản số 5904/UBND-GT của UBND tỉnh và các nội dung trong giấy phép đã được cấp, gồm phạm vi đã thực hiện nạo vét kết hợp tận thu cát; khu vực bãi tập kết, bãi thải; khu vực quản lý, điều hành; việc đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về hoạt động của phương tiện (tàu, thuyền) theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; phương tiện vận chuyển cát từ bãi tập kết đến nơi tiêu thụ; việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; tác động của việc khai thác đến chất lượng nước hồ thủy lợi; thực hiện các biện pháp đảm bảo yêu cầu về bảo vệ lòng hồ theo quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi còn phải báo cáo việc thực hiện đăng ký khối lượng cát thu hồi; khai báo sản lượng khoáng sản khai thác; thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; việc công khai thông tin về chủ đầu tư, giấy phép, tọa độ, diện tích khu vực khai thác, bãi tập kết, khối lượng khai thác, nạo vét đã đăng ký khi cấp phép; công suất, thời gian hoạt động trong ngày; tên, số lượng phương tiện (tàu, thuyền), thiết bị sử dụng khai thác, vận chuyển để người dân, địa phương biết, giám sát; việc lắp đặt trạm cân tại các vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, việc lắm đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu có liên quan theo quy định. Báo cáo các nội dung trên phải kèm theo tài liệu và hình ảnh chứng minh (gửi về email pclblamdong@yahoo.com.vn).
Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình tạm dừng hoạt động nạo vét tận thu cát tại hồ P’róh của Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi; kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động nạo vét kết hợp tận thu cát của các đơn vị trong công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND, văn bản số 5904/UBND-GT của UBND tỉnh, các nội dung trong giấy phép đã được cấp và các quy định của pháp luật có liên quan.
Hồ chứa nước Próh, xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng được đầu tư xây dựng và bàn giao đưa vào sử dụng năm 1986 và được sửa chữa, nâng cấp năm 2004. Hồ P’róh là hồ chứa lớn, có dung tích 3,22 triệu m³, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 515 ha lúa và rau màu, kết hợp nuôi cá, cải tạo môi trường và tạo điểm văn hóa cho đồng bào.
Hồ P’róh được UBND tỉnh phân cấp và giao cho Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng quản lý, khai thác; Trạm quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương là đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình hồ chứa nước P’róh.
Năm 2017, Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng đã lập hồ sơ cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập và hành lang bảo vệ hồ chứa nước P’róh, được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐSTNMT ngày 21/12/2017 và đã tổ chức cắm 69 mốc chỉ giới ngoài thực địa, bàn giao bản đồ ranh giới vị trí cắm mốc cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đơn Dương, UBND xã P’róh. 69 mốc này, gồm có 11 mốc bảo vệ đập và 58 mốc phạm vi lòng hồ.
Quy cách các mốc được đúc và chôn theo mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Thế nhưng, kết quả rà soát mới đây từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho thấy, hồ thủy lợi này đã mất đến 54 mốc. Cùng với đó, khu vực hạ lưu đập, trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Próh bị nhiều cá nhân và doanh nghiệp thi nhau lấn chiếm để canh tác trồng rau màu và lắp dựng chòi để chứa dụng cụ, phân bón với diện tích lấn chiếm lớn. Hành vi này diễn ra trong suốt thời gian dài và cơ quan chức năng phải mất nhiều thời gian xử lý.
Riêng Công ty TNHH Du lịch Pró, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định doanh nghiệp này có đến 4 hành vi vi phạm, gồm chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với tổng diện tích 1.579 m² tại xã Pró mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; chiếm đất nông nghiệp là đất rừng phòng hộ tại khu vực nông thôn với diện tích 1.027 m²; làm lều, quán, tường, xây dựng công trình tạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi với diện tích 258 m²; đắp đập ngăn nước và làm cầu phao chắn ngang khe suối chính đổ về hồ P’róh.
Hiện, UBND huyện Đơn Dương đã hoàn thành kiểm tra, xác định các hành vi vi phạm, đang tiến hành các thủ tục xử lý vi phạm hành chính, các trường hợp không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.