Một đoạn tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. |
Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Công ty HHV) - một trong những nhà đầu tư tham gia góp vốn tại Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (doanh nghiệp dự án) vừa có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Lạng Sơn phản ánh về những vướng mắc chậm được tháo gỡ tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả đề nghị Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn bố trí cuộc họp với các bên liên quan gồm các nhà đầu tư, Vietinbank để nghe báo cáo và xem xét có chỉ đạo HĐND tỉnh tiến hành giám sát việc xem xét, đánh giá, giải quyết các tồn tại, vướng mắc với Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn để tránh việc tranh chấp, khiếu kiện ảnh hưởng đến việc thực hiện việc kết nối dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Công ty Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả cũng đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét việc Ban Quản lý dự án tư xây dựng Lạng Sơn đưa ra đề xuất đối với phương án tách phần nguồn vốn Ngân sách Nhà nước để đầu tư độc lập 1 đoạn tuyến đầu tư công do tỉnh chủ trì, phần còn lại để cho Nhà đầu tư đầu tư theo hình thức BOT và chỉ được thu phí trên đoạn tuyến đó, dẫn đến thời gian thu phí của nhà đầu tư tại Dự án lên đến gần 40 năm.
“Nếu để Ban Quản lý dự án tư xây dựng Lạng Sơn tiếp tục làm đầu mối giải quyết các tồn tại nêu trên sẽ thiếu khách quan và không minh bạch, chúng tôi sẽ dừng việc tham gia đầu tư dự án và báo cáo kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết”, văn bản của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả nêu rõ.
Đặc biệt, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả kiến nghị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn sớm tổ chức cùng nhà đầu tư làm việc với Ngân hàng Vietinbank giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hiện nay; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định năng lực của Liên danh Nhà đầu tư và nguồn vốn huy động khác theo Luật PPP trước khi phê duyệt Dự án. Thời gian thực hiện trong tháng 10/2021.
“Chúng tôi muốn địa phương công bố lý do Dự án thành phần 2, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng bị chậm trễ, thời gian và các biện pháp triển khai hoàn thành dự án cho nhân dân được biết để theo dõi giám sát công khai và tổ chức đấu thầu công khai minh bạch sau khi Dự án được phê duyệt”, ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả kiến nghị.
Trong trường hợp các vấn đề nêu trên không được UBND tỉnh Lạng Sơn giải quyết thỏa đáng, nhà đầu tư đề nghị Ngân hàng Vietinbank báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo cho các Ngân hàng thương mại khác thận trọng xem xét việc cấp tín dụng cho Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng.
Được biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia "giải cứu" Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn bị kéo dài nhưng Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả đã nỗ lực đưa vào khai thác vận hành vượt tiến độ Dự án thành phần 1, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Lạng Sơn.
Tuy nhiên đến thời điểm này, sau 2 năm đưa vào khai thác, UBND tỉnh Lạng Sơn với vai trò là cơ quan có thẩm quyền đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc quan trọng, cơ bản làm thay đổi phương án tài chính dự án và ảnh hưởng mang tính chất quyết định đến sự tồn tại hay phá sản của các Nhà đầu tư (khả năng mất vốn và khả năng trả nợ).
Trong đó, đáng kể nhất là việc sau khi Dự án thành phần 1 kết thúc từ tháng 9/2019 đến nay, việc triển khai Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Dự án thành phần 2) vẫn bị đình trệ, kéo dài (chưa biết bao giờ mới thực hiện được) nên toàn tuyến cao tốc chưa được khai thông, các phương tiện theo hướng từ Quốc lộ 1A vào cao tốc và ngược lại đang khai thác tạm thời trên các tuyến nhánh của nút giao tại Km45 nên rất bất tiện.
Bên cạnh đó, trên tuyến Quốc lộ 1A đã giảm 1 trạm thu phí (Km24+800) so với Phương án tài chính ban đầu nên nguồn thu của Dự án bị thiếu hụt trong suốt vòng đời của Dự án.
Từ các vấn đề nêu trên đã làm giảm lưu lượng phương tiện lưu thông trên cao tốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu, không đảm bảo phương án tài chính.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị miễn giảm cho hơn 6.000 phương tiện của các doanh nghiệp và cá nhân địa phương xung quanh trạm thu phí, trong đó có nhiều đối tượng lợi dụng chính sách miễn giảm để trục lợi chưa được kiểm soát và xử lý; không triển khai kịp thời Trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu trên tuyến cao tốc để đồng bộ các công trình nhằm cung cấp dịch vụ, thu hút dòng xe vào cao tốc...
Các thay đổi này cùng với việc đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đến nay càng làm tăng thêm khó khăn cho Dự án, doanh thu bị thiếu hụt nghiêm trọng so với phương án tài chính ban đầu, làm cho nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn và các nhà thầu đối diện với nhiều rủi ro.
Tại Dự án thành phần 2, Công ty Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả liên danh với các nhà đầu tư là: Công ty cổ phần Licogi 16 và Công ty cổ phần Bê tông Hà Thanh góp vốn vào Doanh nghiệp dự án Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị để triển khai thực hiện.
Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án thành phần 2 đã gặp rất nhiều khó khăn. Để tăng tính khả thi cho Dự án, các bên liên quan đã tích cực làm việc với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp trung ương và địa phương để từng bước tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Kết quả đạt được là đã ghi vốn ngân sách trung ương bố trí cho Dự án là 2.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Công ty Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả, ngày 10/3/2021, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của tỉnh Lạng Sơn lại có Báo cáo số 251/BC-BQLDA tham mưu cho tỉnh trong đó đề nghị phương án tách phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư độc lập một đoạn tuyến đầu tư công do tỉnh chủ trì, phần còn lại để cho Nhà đầu tư đầu tư theo hình thức BOT và chỉ được thu phí trên đoạn tuyến đó, dẫn đến thời gian thu phí lên đến gần 40 năm.
Đề xuất này được Công ty Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả cho là không phù hợp với các quy định của Luật PPP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), hướng dẫn tại Nghị định số 28/2021/NĐ-CP, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP của Chính phủ và chủ trương khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công - tư của Đảng và Nhà nước.
“Việc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của tỉnh đẩy hết tất cả rủi ro, trách nhiệm và khó khăn cho Nhà đầu tư tự giải quyết các tồn tại trước đây với Ngân hàng, nay lại tiếp tục gây khó khăn khi mà nguồn vốn chủ sở hữu hơn 400 tỷ đã góp từ hơn 3 năm nay đã được chi trả cho giải phóng mặt bằng, tư vấn thiết kế, thi công nhưng không đem lại hiệu quả do dự án bị đình trệ kéo dài”, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả nhấn mạnh.