Kinh doanh và Phát triển Bình Dương thực hiện báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2023 (từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023), Công ty liên tục chậm trả lãi trái phiếu đến hạn đối với mã trái phiếu TDC.BOND.2020.700.
Lần thứ nhất, ngày 15/2/2023 phải trả 23,8 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu nhưng ngày 15/2/2023 chỉ trả 7 tỷ đồng, ngày 17/2/2023 trả hơn 16,8 tỷ đồng và còn lại 27,99 triệu đồng được trả vào ngày 23/2/2023.
Lần thứ hai, ngày 15/5/2023 phải trả 24,2 tỷ đồng tiền lãi nhưng ngày 15/5/2023 chỉ trả 10,2 tỷ đồng, ngày 23/5/2023 trả 14 tỷ đồng và còn lại 65,36 triệu đồng được trả vào ngày 26/5/2023.
Và lần thứ ba, ngày 15/11/2023 phải trả 20,29 tỷ đồng tiền lãi nhưng ngày 14/11/2023 trả được 3 tỷ đồng, ngày 16/11/2023 trả thêm 2 tỷ đồng, và ngày 17/11/2023 trả 15,3 tỷ đồng còn lại.
Như vậy, trong năm 2023, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương liên tục phát sinh chậm trả lãi lô trái phiếu mã TDC.BOND.2020.700.
Được biết, trái phiếu mã TDC.BOND.2020.700 được phát hành ngày 9/11/2020, kỳ hạn 5 năm (đáo hạn ngày 9/11/2025), mệnh giá 700 tỷ đồng và trả lãi 3 tháng/lần. Trong đó, lãi suất trái phiếu là 10,5%/năm cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên; lãi suất 11%/năm cho kỳ lãi từ 5 đến 8; và sau đó là lãi suất theo biên độ nhưng không thấp hơn 11,5%/năm và đơn vị lưu ký lô trái phiếu là CTCP Chứng khoán Navibank.
Kinh doanh và Phát triển Bình Dương bị Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Một diễn biến đáng lưu ý, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM vừa quyết định đưa cổ phiếu TDC vào diện cảnh báo từ ngày 10/4/2024.
Lý do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2023 trên Báo cáo hợp nhất năm 2023 là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo.
Trước đó, trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C, đơn vị kiểm toán đã nêu vấn đề nhấn mạnh tại Báo cáo kiểm toán của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương.
Đơn vị kiểm toán lưu ý người đọc tới khoản lỗ 402,8 tỷ đồng trong năm 2023, đồng thời cũng tại thời điểm cuối năm 2023, nợ ngắn hạn của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.331,17 tỷ đồng.
“Những điều kiện về lỗ trong năm 2023 và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương”, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C nêu ra ý kiến nhấn mạnh trong Báo cáo kiểm toán năm 2023.
Lý giải về lo ngại của kiểm toán, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương cho biết, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex, Công ty mẹ của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương sở hữu 60,7% vốn điều lệ) và các công ty khác trong cùng Becamex cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho Kinh doanh và Phát triển Bình Dương bằng cách bảo lãnh các khoản nợ vay, không yêu cầu Công ty hoàn trả tiền nợ mua hàng hoá, dịch vụ cho đến khi Công ty có khả năng trả nợ, vì vậy Báo cáo tài chính lập với giả định hoạt động kinh doanh liên tục.
Lỗ kỷ lục 402,8 tỷ đồng trong năm 2023
Ngoài ra, sau kiểm toán năm 2023, lợi nhuận của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương giảm 10,2% so với trước kiểm toán, tương ứng giảm 37,13 tỷ đồng, về lỗ 402,8 tỷ đồng (trước kiểm toán lỗ 365,67 tỷ đồng). Trong đó, biến động chủ yếu do doanh thu giảm 202,2 tỷ đồng, về 300,72 tỷ đồng, giá vốn hàng bán giảm 125,27 tỷ đồng, về 197,35 tỷ đồng, doanh thu tài chính tăng 42,2 tỷ đồng, lên 56,33 tỷ đồng …
Luỹ kế trong năm 2023, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu giảm 87,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 2.191,3 tỷ đồng, về 300,72 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lỗ 402,8 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 17,59 tỷ đồng.
Với việc lỗ kỷ lục trong năm 2023, tính tới 31/12/2023, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận lỗ luỹ kế 367,17 tỷ đồng (đầu kỳ lãi lũy kế 38,9 tỷ đồng), bằng 36,7% vốn điều lệ.
Như vậy, với việc lỗ kỷ lục trong năm 2023, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đã xoá bỏ toàn bộ lãi lũy kế tích luỹ nhiều năm.
Ngoài ra, tại thời điểm 31/12/2023, tổng nợ ngắn hạn là 2.130,1 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn là 798,9 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 1.331,2 tỷ đồng, hay hiểu đúng hơn Công ty đang dùng 1.331,2 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản tài sản (kỳ hạn lớn hơn 1 năm).