Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh Ảnh: Báo Tây Ninh |
Cài thông số chuyên biệt để “diễn” thầu
Tòa án Nhân dân TP.HCM đang thụ lý vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Sở Y tế Tây Ninh và các đơn vị liên quan, gây thất thoát hơn 13 tỷ đồng.
Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã truy tố 14 bị can ra trước toàn án để xét xử, trong đó có bị can Hoàng Thị Thúy Nga, Chủ tịch NSJ Group; Đặng Thị Mỹ Nga, cựu Trưởng phòng Quản lý giá và công sản (Sở Tài chính Tây Ninh); Hoa Công Hậu, Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh cùng nhiều thuộc cấp.
Theo cáo trạng, sau khi biết Sở Y tế Tây Ninh có nhu cầu trang bị hệ thống CT Scanner 128 lát cắt cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, tháng 7/2017, Hoàng Thị Thúy Nga cùng Hoàng Ngọc Hồng Phúc, Phó ban Quan hệ khách hàng Công ty NSJ đến gặp ông Hoa Công Hậu.
Tại đây, Nga đặt vấn đề bán hệ thống CT Scanner của Hãng Siemens Healthcare, do Công ty NSJ làm đại diện phân phối chính thức và được ông Hậu đồng ý. Sau đó, ông Hậu giao cho Lê Thành Lữ, Phó phòng Kế hoạch Tài chính phụ trách mua sắm thiết bị để lựa chọn hệ thống máy móc.
Ngoài vụ án trên, Hoàng Thị Thúy Nga và Công ty NSJ cũng liên quan tới các vi phạm về đấu thầu, đưa hối lộ tại vụ án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai; Sở Y tế Cần Thơ; Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh.
Cùng với đó, Nga chỉ đạo cấp dưới phối hợp với Hãng Siemens Healthcare đến Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh giới thiệu sản phẩm và “thuyết phục” chủ đầu tư lựa chọn hệ thống CT Scanner do doanh nghiệp này phân phối, với mức giá 28 tỷ đồng.
Để hợp thức hồ sơ, Lữ yêu cầu Công ty NSJ cung cấp báo giá của các đơn vị khác nhau đối với loại máy này. Theo yêu cầu của Lữ, Nga đã chỉ đạo nhân viên lập khống các báo giá của hệ thống CT Scanner, trong đó, Công ty NSJ có báo giá thấp nhất, phù hợp với dự toán.
Trên cơ sở các báo giá này, Lữ đã tham mưu cho Hoa Công Hậu ký tờ trình gửi UBND tỉnh Tây Ninh chỉ định mua hệ thống CT Scanner 128 lát cắt Somatom Definition AS của Siemens Healcare, do Công ty NSJ là đơn vị phân phối chính thức tại địa bàn Tây Ninh.
Để thuận lợi trong quá trình tham gia đấu thầu, Nga chỉ đạo cấp dưới liên hệ, bố trí các công ty “quân xanh” tham gia mua hồ sơ mời thầu và nộp hồ sơ dự thầu, tạo điều kiện cho Công ty NSJ trúng thầu, trong đó có Công ty TNHH Thành An Hà Nội, Công ty Việt Phúc, Công ty Trần Lê.
Cùng với đó, với vai trò được giao làm Tổ trưởng Tổ thẩm định hồ sơ mời thầu, đại diện Sở Y tế Tây Ninh, Lê Thành Lữ đã cùng đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu cài các thông số kỹ thuật chuyên biệt của hệ thống máy trên vào yêu cầu của hồ sơ, nhằm tạo lợi thế cho Công ty NSJ trúng thầu.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, hành vi “thông thầu” của các bị can này dẫn đến việc Hoàng Thị Thúy Nga và Công ty NSJ hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại cho tải sản Nhà nước hơn 13 tỷ đồng.
Sau đó, dù không hứa hẹn, thỏa thuận trước, nhưng cựu Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh Hoa Công Hậu đã 3 lần nhận quà biếu của Công ty NSJ, với tổng số tiền 1 tỷ đồng; còn cấp dưới Lê Thành Lữ nhận 600 triệu đồng.
Tại Sở Tài chính, với vai trò là Trưởng phòng Quản lý giá và công sản, Đặng Thị Mỹ Nga và chuyên viên Vũ Thị Thu Nga là người trực tiếp thẩm định gói thầu. Tuy nhiên, 2 cá nhân này chỉ dựa trên 3 bảng báo giá do Sở Y tế cung cấp (trong đó có 1 bảng báo giá không hợp lệ) để tiến hành thẩm định, mà không khảo sát giá thị trường của thiết bị phục vụ công tác thẩm định giá; không kiểm tra, đánh giá tính đúng đắn, xác thực các bảng báo giá, là vi phạm quy định pháp luật, nhưng vẫn trình lãnh đạo Sở Tài chính ký báo cáo thẩm định, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch mua sắm và kế hoạch đấu thầu với giá gói thầu là 28 tỷ đồng.
Kiến nghị xử lý nhiều lãnh đạo, cán bộ tại Tây Ninh
Trong vụ án này, ông Liêu Chí Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh và các thành viên Hội đồng Khoa học kỹ thuật bệnh viện cũng được xác định có thiếu sót, chủ quan khi đề xuất mua hệ thống CT Scanner 128 lát cắt, nhưng không tổ chức họp Hội đồng Khoa học kỹ thuật để thông qua, mà chỉ họp Ban Giám đốc, phòng chức năng, khoa liên quan để lấy ý kiến đề xuất.
Tuy nhiên, quá trình điều tra xác định, xuất phát từ nhu cầu khám chữa bệnh thực tế tại bệnh viện; công tác lập hồ sơ mua sắm, tổ chức đấu thầu do Sở Y tế chủ trì, Bệnh viện chỉ được giao ký hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán cho Công ty NSJ. Ông Hùng và các thành viên trên không được hưởng lợi ích gì từ việc mua sắm.
Tại Sở Tài chính Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Đước (nguyên Giám đốc) và Phạm Hồng Ân (nguyên Phó giám đốc) có thiếu sót trong việc ký báo cáo thẩm định kế hoạch mua sắm và kế hoạch đấu thầu. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng đánh giá 2 cá nhân này không trực tiếp tham gia thẩm định, mà ký theo đề xuất của Trưởng phỏng Quản lý giá và công sản Đặng Thị Mỹ Nga, chuyên viên Vũ Thị Thu Nga.
Thêm vào đó, 2 cá nhân này cũng được đánh giá là đã rất thành khẩn, hợp tác khai báo, phối hợp cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra và phối hợp khắc phục hậu quả, do đó không xem xét trách nhiệm hình sự, chỉ kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền.
Với cương vị lãnh đạo UBND tỉnh, theo quy chế làm việc, ông Phạm Văn Tân, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh (nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh); Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng được xác định đã thiếu kiểm tra giám sát, dẫn đến không phát hiện sai phạm của cấp dưới.
Cùng với đó, một số cá nhân gồm ông Phạm Trung Chánh, nguyên Chánh văn phòng UBND tỉnh; Trương Văn Hùng, nguyên Phó chánh văn phòng; Trương Văn Hạc, Huỳnh Quang Vinh cũng được xác định có trách nhiệm do không kiểm tra giám sát, tham mưu không kịp thời, không phát hiện được các sai phạm của Sở Y tế, Sở Tài chính.
Do đó, cơ quan tố tụng thấy cần kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền đối với các lãnh đạo, cán bộ này.
“Quân xanh” quen thuộc: Công ty TNHH Thành An Hà Nội
Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định, đối với 2 công ty “quân xanh” tham gia vào gói thầu của Công ty NSJ gồm Công ty Việt Phúc và Công ty TNHH Thành An Hà Nội và 4 công ty tham gia báo giá sai quy định, sau khi xem xét tính chất, mức độ vi phạm, chỉ tham gia 1 gói thầu và không được hưởng lợi, do đó không xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đơn vị trên, chỉ kiến nghị xử lý nghiêm về hành chính.
Công ty TNHH Thành An Hà Nội có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do ông Nguyễn Đăng Thuyết và bà Đinh Thị Minh Thúy góp vốn, trong đó ông Thuyết giữ vai trò Tổng giám đốc, góp 199,5 tỷ đồng; đầu năm 2020 thay đổi bà Ngô Thị Quỳnh Hoa làm Tổng giám đốc.
Doanh nghiệp này thường xuyên tham gia các hoạt động đấu thầu, cung cấp trang thiết bị y tế cho nhiều gói thầu y tế tại một số tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, cũng thường xuyên xuất hiện tại các gói thầu mà Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và Công ty NSJ tham gia dự thầu.
Trong vụ án xảy ra tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (cuối năm 2022), bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (hiện đang bỏ trốn, bị truy nã quốc tế) bị Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vắng mặt và bị tuyên án 30 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thêm vào đó, ngày 10/5 vừa qua, Nguyễn Đăng Thuyết tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nguyễn Đăng Thuyết cùng vợ là Nguyễn Nhật Linh bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới lập, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán để hạch toán sai quy định nhằm che giấu doanh thu, lợi nhuận thực tế, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; để ngoài sổ sách nhiều khoản doanh thu, lợi nhuận, khai man số liệu kế toán... gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 400 tỷ đồng.