Xây nhà máy trên cát
Cuối tháng 3/2017, Công ty Ô tô Trường Hải đã khởi công thêm Nhà máy Mazda mới với công suất 100.000 xe/năm tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Thêm một nhà máy mới sẽ là có thêm chỗ làm việc cho hàng trăm con người.
Lại nhớ lần đầu tiên đến Chu Lai, quãng năm 2004-2005, khi ấy mới chỉ có nhà máy xe tải, xe bus được xây dựng - cô đơn giữa cái nắng chói chang, cát trắng nóng bỏng cùng gió và phi lao. Trong thâm tâm tôi lúc ấy cũng tự hỏi, không biết động lực nào đã khiến Trường Hải, một doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tốt và thành công ở Đồng Nai lúc đó lại quyết định ra vùng đất khó khăn khắc nghiệt này để nối dài những đam mê, nhất là khi vùng đất đó không phải là quê hương bản quán.
Robot hàn cơ khí tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải |
Khi đó, dù mới chỉ có 1-2 nhà máy được dựng lên nhưng khuôn viên của Trường Hải vẫn có những hàng cây ngọc lan với hương thơm dịu dàng cùng vòm lá xanh muốt, làm dịu đi cái nắng hè chói chang của Chu Lai. Để trồng được ngọc lan (loài hoa mà người đứng đầu Công ty yêu thích) tại nơi đây, phải vét xuống phía dưới vài mét cát và lấp lại bằng đất thịt cùng bao công chăm sóc.
Hình ảnh cây ngọc lan vốn biểu thị cho người có tâm hồn thanh cao, lối sống giản dị nhưng khá khó trồng vẫn tươi tốt giữa vùng đất “mưa thì sũng nước mà nắng thì bỏng chân” cho thấy nỗ lực và khát khao cống hiến cho đời của những tấm lòng cao cả.
Sau đó, mỗi lần có dịp vào Chu Lai, là lại thêm một lần bất ngờ trước những nhà máy mới xuất hiện. Những trảng cát và phi lao đã nhường chỗ cho đường, cho xưởng với rộn ràng nhịp sống.
Để vào làm công nhân của Trường Hải, người lao động chỉ cần tốt nghiệp lớp 12 và được tuyển vào đào tạo miễn phí ở Trường Cao đẳng nghề do chính Công ty lập ra. Vừa học, vừa được thực hành, ra trường có ngay việc làm mà không phải mất công đi tìm.
Thu nhập của người lao động tại Khu phức hợp Chu Lai Trường Hải phổ biến từ 5-10 triệu đồng. Mức thu nhập ấy nếu so với ở các thành phố lớn cũng là bình thường, nhưng ở Chu Lai, nơi vẫn còn nằm trong diện “địa bàn đặc biệt khó khăn” thì khá tươm, bởi nhà không mất tiền, sinh hoạt phí không đắt, lại không có nỗi khắc khoải chia xa, ly tán gia đình để mưu sinh.
Trong lễ ra quân đầu Xuân 2017 tại Khu liên hợp Chu Lai - Trường Hải của gần 9.000 lao động, có cô công nhân may của phân xưởng may áo ghế, quê ở huyện Núi Thành tâm sự, nhờ có Nhà máy Trường Hải ở Chu Lai mà cô và chồng đã được làm việc ngay tại quê nhà thay vì vào Nam. Không phải đau đáu nỗi nhớ con khi phải gửi về quê cho ông bà nuôi, hơn nữa đã tiết kiệm để xây được căn nhà riêng cho mình.
Ly nông nhưng không ly hương là vậy!
Ông Chủ tịch huyện Núi Thành hôm đó cũng cho tôi hay, quê ông giờ đã hết cảnh ra Tết, người đứng đầy dọc đường để vẫy xe vào Nam làm việc, làng xóm không chỉ đông người già và trẻ nhỏ.
Năm 2016, thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam đạt hơn 20.000 tỷ đồng và là 1 trong hơn 10 tỉnh có điều tiết được ngân sách về Trung ương. Khu kinh tế mở Chu Lai chiếm hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó phần đóng góp của Trường Hải là trên 14.000 tỷ đồng.
Nói chuyện với tôi, ông Trần Bá Dương - thuyền trưởng của Trường Hải lại nhắc tới câu "phi công bất phú" đã được cụ Lê Quý Đôn chỉ ra từ thế kỷ 18. Phảng phất trong câu chuyện còn là nỗi trăn trở, đau đáu “dùng hàng Việt, việc làm cho người Việt”.
Nghe ông nói, tôi lại nhớ tới những điều mà Peter Navarro - Giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học California đã viết trong một cuốn sách xuất bản hồi năm 2011, đó là, nhiều thành phố công nghiệp phồn thịnh tại Mỹ đã dần trở thành “Thành phố ma” khi các doanh nghiệp quyết định chuyển sản xuất từ Mỹ sang các thành phố của Trung Quốc, nơi được xem là công xưởng của thế giới vì có chi phí sản xuất rẻ hơn, kiếm được nhiều lợi nhuận hơn cho các ông chủ. Không còn việc làm như trước, thu nhập của những người công nhân cũng vì thế mà giảm đi, sức mua của người dân tại nhiều thành phố từng là niềm tự hào về sản xuất công nghiệp của Mỹ cũng giảm mạnh. Xét trên tổng quát, sức cạnh tranh của quốc gia cũng bị ảnh hưởng nhất định.
14 năm trước, khi Trường Hải quyết định chọn một nơi xa lạ như Chu Lai để đầu tư, mấy ai hình dung được những dải cát trắng khắc nghiệt, nóng bỏng, chỉ có phi lao sống được sẽ được thay thế bởi những nhà xưởng công nghiệp khang trang, hiện đại, sạch sẽ với cây và hoa đẹp như công viên.
Với tôi, lần vào Chu Lai cuối tháng 3 lại ấn tượng với cảnh anh công nhân phân xưởng xe bus cười rất tươi trong bữa ăn trưa.
Cơm công nhân của Trường Hải có mức 22.000 đồng, ngoài thức ăn có định suất, còn lại cơm và canh thoải mái. Chỗ cơm trên đĩa của anh dễ phải đến cả 1 kg. Ở TP.HCM, tiền mua cơm trắng đã nấu sẵn bán trên phố cỡ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Tuổi anh, nếu phải xa quê vào Nam làm việc, đĩa cơm chắc sẽ có nhiều màu trắng nhạt nhoà hơn…
Sếu đầu đàn
Không chỉ tạo dựng cơ sở hạ tầng khang trang cho sản xuất ô tô tại Khu kinh tế mở Chu Lai, vị thuyền trường của Trường Hải còn đau đáu khát vọng có thêm nhiều doanh nhân, người tài cùng chung khát khao đưa Việt Nam vươn tới những tầm cao mới.
“Nếu chỉ nghĩ cho mình, cho gia đình mình, tôi đã dừng lại”, ông Dương nói.
Quả đúng vậy, nếu như nhìn vào cơ ngơi của Trường Hải hôm nay ở Khu kinh tế mở Chu Lai hay ngắm nhìn vóc dáng đang hình thành của Sala – khu đô thị được khát khao bậc nhất tại Thủ Thiêm (TP.HCM) bởi xanh và thoáng.
Có lẽ bởi vậy nên những chương trình xã hội mà Trường Hải tham gia gần đây như hỗ trợ 200 tỷ đồng cho Quỹ đầu tư khởi nghiệp của Trung ương Đoàn, là nhà tài trợ chính của các Chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Khởi nghiệp quốc gia, Cà phê khởi nghiệp... cũng mang hơi hướng này.
“Giới trẻ có rất nhiều ý tưởng, giống như chúng tôi hơn 20 năm trước. Nhưng trước đây, chúng tôi phải tự mày mò, không có nhiều doanh nghiệp đàn anh trợ giúp, thì nay, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, biến chúng thành hiện thực, để có lợi nhuận. Sau này, khi các bạn trẻ thành công, họ sẽ lại tiếp tục trách nhiệm cổ vũ và nâng đỡ những ý tưởng khởi nghiệp mới của những thế hệ tiếp theo. Đó không chỉ là niềm vui, đam mê, mà chúng tôi xác định là trách nhiệm của người kinh doanh. Doanh nhân không chỉ và không nên chỉ kinh doanh để kiếm sống, mà cần phải xác định tạo ra giá trị gì cho xã hội”, ông Dương lý giải.
Cũng khác với những lời động viên hay được nhắc tới kiểu “thất bại là mẹ thành công”, ông Dương lại cho rằng, khởi nghiệp... đừng để “thất bại”, cho dù bấy lâu nay, người ta đã quá quen thuộc với ý nghĩ, “thất bại trong khởi nghiệp, có sao đâu, làm lại thôi”.
“Những thiệt hại về tài chính của một cá nhân, doanh nghiệp nào đó, suy cho cùng, cũng là thiệt hại chung của nền kinh tế. Tôi rất quan tâm để làm sao từ các ý tưởng có thể triển khai được thành các dự án kinh doanh có kết quả”, vị thuyền trưởng của Trường Hải trăn trở.
Ba lĩnh vực được Trường Hải đặc biệt quan tâm trong quá trình hỗ trợ khởi nghiệp là công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp và du lịch. Đây cũng chính là những lĩnh vực có sự gắn liền với hoạt động của Công ty hiện nay là sản xuất, kinh doanh ô tô hay làm nông nghiệp sạch quy mô lớn mà Trường Hải vừa tham gia tại Thái Bình.
Chia sẻ thêm về việc quyết định hỗ trợ cho khởi nghiệp, ông Dương cũng rất thẳng thắn cho biết, bên cạnh mục đích ủng hộ cho phong trào của đất nước, đấy còn là vì chính bản thân của sự phát triển công ty. “Chúng tôi thấy rằng, với quy mô của công ty như hiện nay muốn phát triển tiếp cũng như có được sự bền vững cần phải có hệ thống các doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực tham gia trong chuỗi giá trị của Trường Hải. Như vậy, không ai khác hơn chính chúng tôi rất cần các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thực tiễn cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn rất yếu, rất cần sự xuất hiện của những công ty mới với đam mê, sáng tạo và chuyên môn cao”.
Cũng với những bước đi cụ thể và bài bản ấy, giấc mơ của Trường Hải tiếp tục được hiện thực và bay lên bởi những khát khao cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước.