Kho chứa dầu mỏ tại cảng Vasilikos, Cyprus. Ảnh: AFP |
Dầu Brent loại LCOc1 quay đầu và trượt giá 0,5% về 39,52 USD/thùng lúc 04:24 giờ GMT sau phiên tăng giá 2,6% hôm qua 15/6. Tương tự, sau mức tăng 2,4% trong phiên 15/6, giá dầu thô Mỹ loại CLc1 hôm nay đảo chiều giảm 0,6% về 36,91 USD/thùng.
Tính đến ngày 15/6, thế giới ghi nhận hơn 8 triệu người mắc Covid-19. Số ca mắc bệnh tại Mỹ Latinh tăng vọt những ngày qua, trong khi Mỹ và Trung Quốc đối diện nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ 2. Theo các nhà quan sát, khả năng Mỹ và Trung Quốc tái áp dụng các biện pháp phong tỏa trên diện rộng như đầu năm là không cao.
“Thông tin Covid-19 tiếp tục lan rộng là đòn giáng lên nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, khiến quá trình hồi phục của thị trường dầu mỏ chậm lại. Tuy nhiên, khả năng các nước tái áp dụng các biện pháp phong tỏa trong nửa đầu năm nay là không thể”, Stephen Innes, chuyên gia trưởng về thị trường toàn cầu tại Công ty dịch vụ tài chính AxiCorp bình luận.
Mặt khác, các nhà phân tích hy vọng động thái duy trì cắt giảm sản lượng của các cường quốc dầu mỏ có thể cản trở đà lao dốc của giá dầu.
Giá dầu hôm qua 15/6 tăng lên sau khi Bộ trưởng Năng lượng UAE cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (gọi tắt là OPEC+), trong đó có Nga trước đây chưa hoàn toàn đồng thuận với quyết định cắt giảm sản lượng thì nay đều muốn mạnh tay cắt giảm.
“Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ vẫn được duy trì nếu làn sóng Covid-19 thứ 2 ập đến, kéo theo lo ngại giá dầu rơi tự do”, chuyên gia thị trường cao cấp Edward Moya của Tập đoàn dịch vụ tài chính OANDA nhận định.
OPEC+ tháng trước nhất trí kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày đến hết tháng 7, đồng thời kêu gọi các thành viên chưa tuân thủ cam kết giảm sản lượng phải mạnh tay hơn.
Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ cũng nhăm nhe kế hoạch cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ sụp đổ thời Covid-19.
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ hôm 16/6 dự báo sản lượng của 7 vỉa đá phiến lớn tại Mỹ có thể chạm đáy 2 năm qua với 7,63 triệu thùng/ngày đến tháng 7.
Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sụp đổ, buộc các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ giảm sản lượng. Theo số liệu của Công ty tư vấn năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu đá phiến còn hoạt động tại Mỹ tuần trước giảm xuống dưới 200, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009.